Ngư dân chuẩn bị mở biển |
Những làng biển Hoà Hiệp bao đời nay được biết đến với những phương tiện đánh bắt gần bờ, bấp bênh. Cuộc sống ngư dân ngày có làm có ăn, mùa biển động phải chạy gạo. Thế nhưng những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai Nghị định 67, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu công suất lớn vươn khơi xa, kết hợp dịch vụ hậu cần trên biển. Cuộc sống của ngư dân cũng khấm khá từ đó.
HIỆU QUẢ NHỮNG CON TÀU RA KHƠI
Cảng cá Phú Lạc, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà giữa ngày mùa, không khí lao động rất khẩn trương. Trên bến dưới thuyền kẻ dỡ lưới, người chuẩn bị vật tư chuyến biển. Xe cộ lúc này cũng tấp nập. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau cung cấp đá lạnh cho các tàu cá, trong khi đó những xe đông lạnh thì hối hả cân cá để vận chuyển đi các nhà máy hay các chợ đầu mối tiêu thụ. Không chỉ có những tàu công suất nhỏ như trước, tại cảng cá này, ngày càng nhiều hơn những tàu lưới vây khơi, công suất lớn, từ trên 400 đến 700 CV. Mỗi ngày cảng cá này đón nhận ít nhất 20 tàu về bến và tầm ấy tàu ra khơi chuyến biển mới. Từ chỗ chỉ làm đủ ăn, giờ đây, nhiều ngư dân Hoà Hiệp có thể thu được tiền tỷ từ nghề lưới vây khơi trên những con tàu đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Đức, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà vui mừng cho biết, thu nhập mỗi bạn thuyền một chuyến biển từ 20-25 ngày khoảng 10 triệu, chuyến nào trúng có thể lên mười mấy, hai chục triệu. Nhờ thu nhập cao như vậy nên tàu nào bạn nấy và tất nhiên ai cũng gắn bó với tàu trong mỗi chuyến ra khơi.
Năm qua, phần lớn các phương tiện lưới vây của Phú Lạc, xã Hoà Hiệp Nam đều đạt sản lượng khá, thu nhập bình quân mỗi chuyến biển chủ thuyền có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm, có tàu cá vây khơi của Hoà Hiệp Nam là ông Trương Văn Công đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ông Hà Ngọc Ninh, thôn Phú Lạc, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà bộc bạch: "Từ khi chuyển đổi sang ghe lớn, làm ăn lớn, mới đầu cũng lo lắm, nhưng hiệu quả rất cao nên ngư dân vững tin. Ở Phú Lạc này, mấy chiếc vây khơi một năm trừ hết phí tổn, chiếc khá cũng được 5 tỷ, chiếc trung bình 2,5-3 tỷ. Nhờ vậy mà hiện nay nhiều người mạnh dạn đầu tư".
Khi đánh giá về hiệu quả Chương trình 67 tại xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà, ông Đinh Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp Nam rất phấn khởi cho biết: Hiệu quả các tàu 67 đã làm thay đổi rất lớn nhận thức của bà con về quy mô và phương thức đánh bắt. Hiện giờ xã đang cùng các ngành chức năng thẩm định 15 trường hợp tiếp tục đề nghị vay vốn 67 để đầu tư đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi. Nếu các dự án này tiếp tục được triển khai thì sẽ có nhiều hơn ngư dân Hoà Hiệp Nam có thể vươn lên làm giàu từ biển.
Ngư dân Hòa Hiệp ra khơi đánh bắt |
"HIỆU QUẢ KÉP" NHỜ ĐÁNH BẮT KẾT HỢP DỊCH VỤ
Không chỉ dừng lại ở việc đánh bắt, nhiều ngư dân ở làng biển Hoà Hiệp còn đầu tư tàu đánh bắt công suất lớn kết hợp tàu dịch vụ để nâng cao hiệu quả chuyến biển theo phương châm "đánh bắt tận gốc, bán tận ngọn". Ngư dân Phạm Luyện là một trong những gia đình lâu nay làm dịch vụ. Nhận thấy việc đánh bắt có triển vọng, ông đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu sắt công suất trên 700 CV để đánh bắt. Con tàu hoàn tất quý IV/2016 là ra khơi ngay, kết hợp tàu dịch vụ của gia đình nên hiệu quả chuyến biển tăng gấp đôi.
Còn trường hợp ông Lê Văn Tấn, khu phố Phú Thọ 3, Thị trấn Hoà Hiệp Trung cũng đã và đang giàu lên nhờ cách liên kết từ trên biển đến trên bờ. Gia đình ông Tấn hiện ngoài đội tàu đánh bắt tàu dịch vụ trên biển, trên bờ còn có mấy chiếc xe tải đông lạnh. Sản phẩm sau đánh bắt được tàu dịch vụ gia đình đưa ngay vào bờ và đưa lên các xe lạnh để cung cấp cho bạn hàng đã có từ trước ở các tỉnh, từ Tây Nguyên đến Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy ông Tấn không lo chuyện ế ẩm hay giá cá lên xuống thất thường mà hoàn toàn chủ động đầu ra cho sản phẩm. Tất nhiên lãi từ mô hình này cũng tăng gấp nhiều lần.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi phương thức đánh bắt từ gần bờ ra xa bờ, kết hợp phát triển mô hình liên kết tàu đánh bắt - tàu dịch vụ đã giúp nhiều ngư dân các làng biển Hoà Hiệp vươn lên làm giàu. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị ngành đánh bắt thuỷ sản của tỉnh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
Lê Biết - Quốc Hoàn