Phú Yên cần phải làm gì để tái cơ cấu ngành tôm?

08:25, 18/03/2017 [GMT+7]

    Với hơn 1.000ha, vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch là nơi nuôi tôm tập trung lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ. Thế nhưng nhiều năm rồi kênh mương thủy lợi ở đây hầu như chưa được tu sửa. Người dân ở đây lâu nay nuôi tôm theo kiểu được chăng hay chớ, không mấy ai quan tâm đầu tư thủy lợi. Vả lại, có muốn tu sửa thì cũng chẳng đủ tiền. “Khó khăn của bà con vùng nuôi tôm là hạ tầng vùng nuôi còn hạn chế. Đầu tư thì không có tiền. Còn hiện tại thì không thể thả tôm” - ông  Lê Công Đà, một người nuôi tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa nói.

    Ngành tôm sẽ giữ vai trò chủ lực trong nông nghiệp cả nước, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chuyên gia thủy sản cho rằng, mục tiêu này là có thể đạt được nếu như ngành tôm tái cơ cấu toàn diện, giải quyết được những hạn chế.

    Đối với tỉnh Phú Yên, cần bắt đầu từ đâu để tái cơ cấu ngành tôm là câu hỏi đặt ra lúc này. Nhiều năm liền, các vùng nuôi tôm phải đối mặt với những vụ tôm thất bát. Chỉ mới bước vào vụ tôm năm nay mà không ít ngư dân phập phồng nỗi lo vì vừa trải qua những vụ nuôi tôm chết hàng loạt, chất lượng nước vùng nuôi khó đảm bảo nếu nước lũ tràn về… Bởi thế, theo các nhà chuyên môn, vùng nuôi tôm khó mà ổn định nếu môi trường nuôi tích tụ ô nhiễm, dễ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, khi tái cơ cấu ngành tôm, ngành nông nghiệp tỉnh xác định công việc hàng đầu là phải đầu tư hạ tầng vùng nuôi. 

Cần hình thành các hợp tác xã kiểu mới phù hợp với từng vùng nuôi để dễ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào vùng nuôi
Cần hình thành các hợp tác xã kiểu mới phù hợp với từng vùng nuôi để dễ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào vùng nuôi


    Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung ưu tiên xây dựng hạ tầng cho các vùng nuôi như điện, đường nội vùng. “Quy hoạch chi tiết vùng nuôi và dần hình thành các cánh đồng tôm lớn là mục tiêu của tỉnh đang thực hiện” - ông Phương nhấn mạnh. Đặc thù các vùng nuôi tôm của tỉnh, mỗi vùng nuôi từ vài chục đến vài trăm ha, nhưng mỗi hộ nuôi một vài ha lại chia thành nhiều thửa.

    PGS.TS Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chính sự manh mún này khiến cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng công nghệ vẫn còn một khoảng cách khá xa so với yêu cầu  nghề tôm phát triển. Đây là điều cần tính đến khi tái cơ cấu ngành tôm theo hướng thâm canh, hình thành cánh đồng tôm lớn của tỉnh.

    Theo PGS.TS  Võ Văn Nha, để tái cơ cấu ngành tôm, tỉnh Phú Yên cần xác định lại việc đầu tư cho các vùng nuôi, đồng thời cần hình thành các hợp tác xã kiểu mới phù hợp với từng vùng nuôi để dễ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào vùng nuôi. Bởi hiện tại, Phú Yên chưa thể hình thành ngay các cánh đồng tôm lớn.

      An Bang