Cấp bách xử lý hiện tượng tiêu chết hàng loạt

07:52, 02/03/2017 [GMT+7]

    Lá xanh đột ngột chuyển sang vàng úa. Rụng lá, chỉ còn trơ trọi thân cây khô đen. Cây thì chết nhanh, cây thì chết chậm. Đó là những gì đang diễn ra tại vùng trồng tiêu Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Ngược xuôi tìm mọi cách để cứu chữa nhưng đến lúc này, người trồng tiêu gần như bất lực và tiêu tiếp tục chết hàng loạt. Ông Tạ Công Dương, người trồng tiêu xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa buồn bã: “Cả vùng này, nhà ai cũng bỏ ra số tiền lớn để mua phân, thuốc nhưng cuối cùng cây cũng chết. Vườn nhà tôi tiêu chết hết, giờ phải chặt bỏ trồng lại”.

     Thông thường mọi năm đây là thời điểm mà nông dân dồn sức chăm sóc vườn tiêu để có tiêu thu hoạch vào giữa năm. Nhưng, bây giờ, ngay cả vườn tiêu cũng không giữ được, chẳng ai hy vọng gì vào vụ tiêu sắp tới.  

       Sau khi bỏ vào đây không ít thuốc trị bệnh cho tiêu, bây giờ bà Lê Thị Lan, một người trồng tiêu lâu năm ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa chỉ biết mót lại số buồng tiêu ít ỏi trên những nọc tiêu đang chết dần. Những nọc tiêu chết sẽ phải phá bỏ để trồng lại, nghĩa là những nông dân ở đây phải phá bỏ cả tài sản, công sức mà họ đã chắt chiu đầu tư nhiều năm qua. Theo tính toán, cứ 1 sào tiêu (1000m2), từ lúc trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu tiên, khoảng 4-5 năm, thì số tiền đầu tư xấp xỉ 200 triệu đồng. Vậy mà nhiều gia đình mất trắng cả vườn tiêu, mất trắng hàng trăm triệu đồng. “Tiêu chết như thế này vốn đã hết, giờ đành phải bươn chải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống chứ không còn cách nào khác”- Bà Lê Thị Lan xót xa.

Người trồng tiêu chăm sóc những nọc tiêu còn lại
Người trồng tiêu chăm sóc những nọc tiêu còn lại

 

    Bệnh trên cây tiêu không phải là vấn đề mới nhưng chưa lúc nào hiện tượng tiêu chết lại lan nhanh và lan rộng như lúc này. Trong số 900ha tiêu trong toàn tỉnh thì đã có đến 150ha bị chết kể từ sau đợt mưa lũ cuối năm ngoái đến nay và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một trong các nguyên nhân là do những hạn chế trong thoát úng ở vườn tiêu.  Theo Thạc sỹ Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, để hạn chế tình trạng này thì hệ thống thoát nước là rất quan trọng. Vì vậy bà con nên thường xuyên khai thông các mương, rãnh, tạo mương thoát nước, bên cạnh đó là quản lý chặt tuyến trùng hạ rễ vì đây là một dịch hại.

    Ngay sau khi xuất hiện tình trạng tiêu chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, thống kê diện tích cây tiêu bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ. Những biện pháp hạn chế tình trạng tiêu chết cũng đã được nông dân ráo riết thực hiện nhưng hiệu quả không đáng kể. Nhiều trường hợp tiền bỏ ra mua thuốc cứu chữa cho tiêu rất tốn kém mà cuối cùng cả vườn tiêu bị chết, đành phải phá bỏ.

An Bang