Tăng hiệu quả kinh tế cho nông sản từ sản xuất sạch |
Dùng phân hữu cơ thay cho phân hóa học, lấy thiên địch phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật như trước kia là những cách mà nông dân vùng miền núi của tỉnh đã và đang thực hiện để hướng tới sản xuất sạch. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường mà còn cho hiệu quả kinh tế cao.
“Không có đủ cam, quýt để bán, cung không đủ cầu” đó là chia sẻ của ông Tạ Quốc Linh ở buôn Ea Mkeng, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh về vụ thu hoạch đợt Tết Nguyên Đán vừa qua. Điều đặc biệt, quýt tại các chợ, cửa hàng từ miền trong ra hay Đắk Lắk, Gia Lai đưa xuống không thiếu, giá lại rẻ hơn, nhưng khách hàng vẫn chuộng mua trái cây từ trang trại của gia đình ông Linh bởi nó sạch, không có thuốc trừ sâu.
Còn tại trang trại của ông ông Trần Ngọc Phú ở buôn Ea Mkeng, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, từ tháng 1/2017, ông Phú đã bắt đầu sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo toàn bộ diện tích đất của gia đình trước đây trồng caphe, bị chai cứng, để đầu tư trồng các loại cây ăn trái và lấy hạt có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chanh dây và Sachi. Đặc biệt, hạt của cây sachi dùng để ăn dưới dạng sấy khô hoặc ép lấy tinh dầu sản xuất mỹ phẩm. Vì vậy yêu cầu về sản xuất sạch là rất cao.
Thấy được lợi ích kinh tế của các sản phẩm nông nghiệp sạch, UBND xã EaBar, huyện Sông Hinh khuyến khích nông dân đẩy mạnh phát triển khoảng 430ha diện tích cây ăn trái chất lượng cao, đảm bảo ATVSTP để thu hút các doanh nghiệp, đơn vị tới hợp tác thu mua và bao tiêu sản phẩm.
Thực tế hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp và nguồn nước tưới đang bị ô nhiễm do phân, thuốc hóa học tồn dư. Vì thế, sản xuất nông nghiệp sạch bằng các chế phẩm sinh học đang là xu hướng tất yếu. Hướng phát triển này vừa giúp bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển nền nông nghiệp bền vững, vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng./.
Như Nguyện