Gần đây, thời tiết sáng sớm tại một số địa phương có sương kéo dài; một số địa phương có mưa nên bệnh đạo ôn đang có dấu hiệu phát sinh trở lại. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, nếu người dân không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đạo ôn rất dễ bùng phát mạnh, lây lan nhanh ở những chân ruộng bón thừa phân đạm hoặc ruộng ở gần chân núi… và có khả năng lây lan gây hại trên cổ bông ở những ruộng lúa bắt đầu trổ.
Bệnh đạo ôn cổ bông lúa đông xuân |
Theo ghi nhận tại các địa phương, một số giống lúa như MT10, ML48, ĐV108, ML49… có nguy cơ phát sinh đạo ôn thời điểm hiện nay. Bởi đây là các giống lúa đã phát sinh đạo ôn ở giai đoạn lúa đẻ nhánh trước và sau Tết Nguyên đán. Lo ngại đạo ôn phát sinh mạnh, nhiều bà con nông dân đã phòng ngừa bằng thuốc đặc hiệu.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, bệnh đạo ôn gây hại ở các bộ phận trên cây lúa nhưng rõ nhất trên lá, cổ bông, đốt thân. Theo đó, trên lá lúa, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu. Đối với lúa trổ bông, vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen, đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng…Dự báo trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, lây lan và gây hại. Do vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa, tránh thiệt hại trong vụ lúa chính của năm.
Chi cục TT&BVTV tỉnh cũng khuyến cáo, khi bà con nông dân phát hiện đạo ôn phát sinh trên lúa, cần giữ nước trong ruộng, dừng việc bón phân (đặc biệt là phân có chứa đạm, các loại phân bón lá)… Trong trường hợp đạo ôn cổ bông phát triển gây hại, cần phun phòng cho các ruộng gieo sạ giống nhiễm trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày. Sau 7 - 10 ngày phun lại lần thứ 2 đối với những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá nặng. Các loại thuốc có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh đạo ôn là: Fuan, Fuji-one, Ninja, Beam, Trizole hoặc Filia 525 SE.
Tin, ảnh An Bang