Phú Yên: tôm hùm chết rải rác vì bệnh sữa

10:40, 15/03/2018 [GMT+7]

Vịnh Xuân Đài những ngày cuối tháng Giêng năm Mậu Tuất. Cả một vùng dày đặt lồng bè nuôi tôm hùm. Những ngày này, sáng nào, các hộ nuôi tôm hùm cũng lặn để kiểm tra lồng và gần như lồng tôm nào cũng phát hiện tôm nuôi "rớt đáy". Lồng ít thì chết 1 đến 2 con mỗi ngày, nhiều thì 3-4 con. Số tôm chết có hiện bụng trắng đục - dấu hiệu chính của bệnh sữa. Mang tôm bám đầy hàu chỉ và các loại giáp sát. Kích cỡ tôm chết khá lớn khoảng 0,5 đến 0,7 kg/con, tương đương với thời gian nuôi khoảng 10 đến 12 tháng. Nếu tính giá tôm thương phẩm hiện nay là 1 triệu 550 nghìn đồng/kg thì mỗi con tôm như thế này người dân thiệt hại khoảng 1 triệu đồng.

Tôm hùm chết
Tôm hùm chết

 

Quan trắc, môi trường hàng tuần của Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên, vùng nước ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu đang bị ô nhiễm nặng khi lượng ô xi hòa tan thấp, hàm lượng các chất hữu cơ tăng cao. Số lồng bè nuôi gia tăng nhanh, số tôm nuôi trong lồng dày, cộng những bất cập vùng nuôi chưa được giải quyết, kết hợp thời tiết bất lợi là nguyên nhân khiến bệnh tôm phát sinh. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện nay số lồng tôm ở các vùng nuôi TX. Sông Cầu là trên 29.000 lồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trên thực tế theo người dân số lồng nuôi  trên biển còn lớn hơn nhiều. Ngay tại phường Xuân Thành, thời điểm tôm hùm bị bệnh sữa rải rác có đến 4 bè nuôi đang được đóng mới. Tình trạng này tiếp tục gia tăng sức ép lên vùng nuôi tôm Sông Cầu. Nhiều cuộc họp, hội thảo được tổ chức. Nhiều giải pháp được đưa ra. Nhưng, đến thời điểm này, quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài vẫn chưa triển khai trên thực địa. Những thiệt hại tại vùng tôm Sông Cầu khi nắng nóng trở lại là điều mà các nhà khoa học cảnh báo trước.

Quan trắc vùng nuôi tôm hùm
Quan trắc vùng nuôi tôm hùm

 

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên khuyến cáo, thời điểm này, các hộ nuôi tôm hùm trước khi cho tôm ăn cần kiểm tra chất lượng thức ăn, cần thiết giảm 50% lượng thức ăn để tránh ô nhiễm môi trường nước; tăng sức khỏe đối với tôm hùm nuôi bằng cách sử dụng thức ăn tươi và bổ sung chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất để tôm tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi và tác nhân gây bệnh; Theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường nước, khi cần thiết di dời lồng bè đến nơi có lưu thông dòng chảy để tránh hiện tượng thiếu ôxy./

Tin, ảnh  Lê Biết - Quốc Hoàn