Bánh Tráng - đặc sản vùng đất Phú

08:49, 02/06/2021 [GMT+7]

 

Bánh Tráng - đặc sản vùng đất Phú
Bánh Tráng - đặc sản vùng đất Phú

 

Nhắc đến những món ăn dân dã của vùng đất Phú Yên, không thể bỏ qua bánh tráng. Một món ăn quen thuộc, gắn liền với đời sống của người dân địa phương từ nhiều đời nay. Mới đây, nghề làm bánh tráng Phú Yên được Sở VH-TT&DL lập hồ sơ xét công nhận Di sản văn hóa phi vật thể- điều này cũng lý giải vì sao bánh tráng Phú Yen luôn có một vị trí đặc biệt trong nhiều người khi nhắc đến món ăn dân dã trên vùng đất Phú.

Đông Bình- làng nghề làm bánh tráng có tiếng của tỉnh ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Làng nghề hình thành cách đây hơn 100 năm, hiện có 75 hộ dân gắn với nghề sản xuất bánh tráng. Công việc này trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân nơi đây. Bởi vậy, hiện nay nhiều thế hệ trong làng Đông Bình cũng gắn với nghề này...Những người như bà Hạnh, đã hơn nửa đời người gắn với nghề làm bánh tráng, nhưng chẳng khi nào bà nghĩ sẽ dừng lại công việc này.

 Để làm ra bánh tráng đòi hỏi người làm nghề phải thực sự khéo léo và tinh tế. Quan trọng nhất là lựa chọn loại gạo phù hợp, yêu cầu chuẩn mực trong việc pha chế bột gạo và nước sao cho không quá đặc hay quá loãng.       Cái bánh khi ra lò ngon hay không còn đòi hỏi sự khéo léo của những người thợ trong việc tráng bánh đều tay.

Những thợ làm bánh thủ công phải dậy từ 3-4h sáng để tranh thủ khi trời nắng lên là có bánh đem phơi. Nắng càng gắt bánh càng nhanh khô, dẻo và ngon hơn. Chẳng vì thế mà bánh tráng dù được chế biến với nguyên liệu quen thuộc, phơi trong cái nắng giòn cho ra hương vị đặc trưng của làng quê.

Từ nhiều đời nay, nghề bánh tráng Phú Yên đã đi vào đời sống của người dân. Từ sự tỉ mỉ trong việc sử dụng nguyên liệu đến sự thuần thục của người tráng bánh được đúc kết qua nhiều thế hệ, làm nên thương hiệu bánh tráng Phú Yên có tiếng trong văn hóa ẩm thực của người miền Trung. Bánh tráng là phần tự hào trong văn hóa của mỗi người con đất Phú. Giờ đây, để phù hợp hơn với người dùng, những người thợ cũng tạo ra những chiếc bánh với nhiều kích cỡ; nguyên liệu, chất lượng bánh ngày càng tốt hơn. 

Bánh tráng hiện hữu trong các bữa ăn hằng ngày của nhiều người. Đặc biệt không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng tổ tiên và những ngày Lễ, Tết. Đây còn là món quà đặc sản dân dã, mọi người thường tặng nhau như món quà quý. Tuy nhiên, hiện nay nghề bánh thủ công với lò đất, bếp lửa và những chiếc bánh tráng tay đang đứng trước sự cạnh tranh lớn, đó là sự ra đời của những dây chuyền sản xuất bánh tráng bằng máy hiện đại, năng suất gấp chục lần bánh tráng thủ công. Việc Sở VH-TT&DL lập hồ sơ công nhận làng nghề bánh tráng là Di sản văn hóa phi vật thể là cách để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống này.

Như Thùy - Quốc Hoàn