Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: Học phải đi đôi với hành, lí luận phải gắn liền với thực tế. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều năm qua đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong dạy và học. Mỗi tiết giảng của giáo viên là sự kết tinh giữa lý luận và thực tiễn, giữa kinh nghiệm và sự tìm tòi sáng tạo… Chính những phương pháp lên lớp sáng tạo trong thời đại số đã lan tỏa ngọn lửa ham học hỏi, tìm tòi đến người học, đến những đồng nghiệp tại các trường dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Hơn 20 năm gắn bó với việc giảng dạy nghề điện, hàng ngày, dù ở lớp học hay xưởng thực hành, ngoài dạy học trò kiến thức, thầy Võ Quốc Dũng, giảng viên khoa Điện và Tự động hóa, Trường CĐ Công thương miền Trung còn chỉ bảo các em về cách sống. Với thầy, câu chuyện dạy nghề luôn có điểm nhấn là người học. Điện là ngành học mang tính ứng dụng cao, nó rất thiết thực với đời sống. Chính vì vậy, bên cạnh dạy lý thuyết, thầy thường tăng cường thời lượng thực hành bằng cách đưa người học đến các công trình mà thầy và các đồng nghiệp nhận bảo trì, sửa chữa để các em làm quen, trải nghiệm với môi trường thực tế. Một khi hiểu rõ về nghề thì các em sẽ yêu thích nghề và nỗ lực hơn trong học tập.
Để thu hút sự chú ý của các em với bài giảng, trong thiết kế giáo án, giảng viên sẽ phải chuẩn bị các câu hỏi, các bài tập thảo luận nhóm để đánh giá việc tiếp thu bài giảng của người học đến đâu. Vì là dạy trực tuyến nên bài giảng cũng phải chú ý tập trung vào những nội dung kiến thức cốt lõi nhất để truyền đạt đến học sinh - sinh viên.
Do ảnh hưởng của đại dịch nên năm nay là lần đầu tiên Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tại Phú Yên có 4 nhà giáo tham gia hội giảng lần này. Mỗi thầy cô mang đến hội giảng những nội dung và phương pháp khác nhau và cũng là cơ hội để thầy, cô thể hiện năng lực và kỹ năng sư phạm. Mỗi người một phương pháp truyền đạt, tiếp cận hấp dẫn, đây là những phương pháp hay, mới và có thể nhân rộng ở các đơn vị. Đặc biệt, từ những ưu điểm của hội giảng mang lại các trường có những điều chỉnh phù hợp trong công tác đào tạo.
Quá trình hội nhập đang đòi hỏi các nhà giáo dục nghề nghiệp sự thay đổi tích cực trong chuyên môn để đáp ứng tốt nhất yêu cầu mới. Bên cạnh việc bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ của từng trường học thì tự bồi dưỡng cũng là cách giúp các thầy cô giáo nâng cao trình độ của chính mình. Muốn công tác giảng dạy đạt chất lượng, người thầy phải thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức mới, áp dụng nhiều phương pháp để truyền lửa, khơi gợi niềm say mê học tập của học sinh – sinh viên.
Ngọc Hiền – Lê Hùng