Đổi thay về môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

14:35, 04/09/2019 [GMT+7]

 

Đổi thay về môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đổi thay về môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số


Với nhiều chương trình, chính sách được triển khai, đời sống mọi mặt của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi thói quen sinh hoạt và sản xuất, không chỉ hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tạo nên diện mạo mới xanh – sạch – đẹp ở từng khu dân cư.

Dù bận rộn thế nào, đều đặn mỗi ngày, mí Vương, thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh cũng đều dành thời gian quét dọn sạch sẽ xung quanh nhà. Rác thải được thu gom lại sau nhà để tiêu hủy. Chăn nuôi bò, heo nay đã có chuồng trại đảm bảo. Việc vệ sinh trong nhà giờ cũng đã có nhà vệ sinh hợp quy chuẩn. Không riêng nhà mí Vương, bây giờ hầu như nhà nào ở đây cũng đều có thói quen và phương thức giữ vệ sinh như vậy.

Về xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, bên cạnh những mái nhà sàn, những ngôi nhà mới khang trang đã và đang được dựng xây, những tuyến đường bê tông sạch đẹp, rác thải được thu gom gọn gàng, những hàng rào cây xanh, những bồn hoa khoe sắc được bà con vun trồng, chăm sóc,… Tất cả làm nên một diện mạo mới cho buôn làng vùng cao hôm nay. Việc giữ vệ sinh môi trường bây giờ được đưa vào trong hương ước của từng thôn, buôn.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do thói quen xả rác bừa bãi, tập quán chăn nuôi thả rong, nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà… là một thực tế tồn tại lâu nay ở không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Xuân Lãnh cũng từng như vậy. Cùng với việc hạ tầng giao thông được đầu tư khang trang, chính quyền và các hội, đoàn thể các địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền, giúp bà con nâng cao ý thức về môi trường, bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng như tập quán chăn nuôi. Nhờ phát huy tốt vai trò của các già làng, người có uy tín, với phương thức tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, xây dựng mô hình điểm, giáo dục ý thức cho trẻ em,… nhận thức về vấn đề môi trường của người dân xã Xuân Lãnh dần thay đổi từ trong suy nghĩ và được cải thiện đáng kể.

Để thay đổi một thói quen, một tập tục có từ lâu của một cộng đồng dân cư, thực tế không hề dễ dàng. Tuy nhiên, từ câu chuyện bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư ở xã Xuân Lãnh cho thấy, một khi bà con nhận thức được những hạn chế của thói quen, tập quán cũ thì chính bà con sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất để huy động cả cộng đồng cùng chung tay, góp phần xây dựng buôn làng ngày một phát triển, xanh, sạch, đẹp…

Hồng Thủy – Thế Hoan