HỢP TÁC XÃ GIÚP ĐỒNG BÀO TĂNG THU NHẬP

10:57, 17/05/2022 [GMT+7]

 

HỢP TÁC XÃ GIÚP ĐỒNG BÀO TĂNG THU NHẬP
HỢP TÁC XÃ GIÚP ĐỒNG BÀO TĂNG THU NHẬP

 

Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình chế biến mà còn đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia chuỗi. Tại huyện miền núi Đồng Xuân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ Xuân Phước đã đứng ra cung ứng giống và bao tiêu đối với cây đậu phụng. Đồng thời đầu tư chế biến sâu tạo ra sản phẩm dầu đậu phụng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chuỗi liên kết này đã giúp cải thiện thu nhập cho người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Thu hoạch hơn 1 hecta đậu phụng giữa mùa nắng hạn, gia đình ông Sô Min, ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân rất phấn khởi vì được mùa lại được Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước bao tiêu với giá 25 ngàn đồng 1 ký. Với sản lượng gần 2,5 tạ đậu phụng, ông Min đã thu về 6 triệu đồng. Từ đó ông Min cũng như bà con nơi đây đã chuyên tâm vào sản xuất, không bỏ hoang đất như trước đây.

Trước đây, nhiều diện tích đất trên địa bàn xã phải bỏ hoang từ 4 – 6 tháng do thiếu nước tưới. Từ khi được hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng cây đậu phụng, mùa nắng hạn, nhiều gia đình canh tác thêm được một vụ màu mà không bỏ trắng đất.
Không chỉ hỗ trợ cây giống cho bà con sản xuất, trong quá trình canh tác, hợp tác xã còn cử cán bộ đến tận ruộng hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Hộ nghèo, khó khăn còn được mượn trước phân bón và trả lại sau vụ thu hoạch.

Đậu phụng sau khi được thu hoạch, hợp tác xã đứng ra thu mua với mức giá bình quân từ 20 đến 25 ngàn đồng 1 ký để ép dầu. Không lo khoản đầu tư cây giống, lại được bao tiêu toàn bộ nông sản làm ra, nên bà con không còn thấp thỏm tìm nơi tiêu thụ như trước đây.

Đặc biệt, việc hợp tác xã Xuân Phước đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP và quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử đã giúp nhiều người tiêu dùng biết đến nông sản đặc trưng của địa phương. Mặc dù giá một lít dầu đậu phụng khá cao, lên tới 100 ngàn đồng, nhưng số lượng dầu mà Hợp tác xã Xuân Phước tiêu thụ đạt từ 1.300 đến 1.400 lít mỗi vụ. Để có vùng nguyên liệu đủ lớn, hợp tác xã này đang tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây đậu phụng với tổng diện tích dự kiến hơn 60 hecta.

Nhờ cây đậu phụng và sự vào cuộc của hợp tác xã Xuân Phước mà bà con đồng bào thiểu số nơi đây vừa có thêm thu nhập, vừa từng bước thay đổi tư duy về làm kinh tế nông nghiệp bền vững./.

Đặng Dự - Như Nguyện