Giải pháp để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn ? |
Ngành lâm nghiệp tỉnh đặt mục tiêu ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn. Nhưng, để thực hiện được mục tiêu này, cần bắt đầu từ đâu? UBND tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, nhằm tái cơ cấu và phát triển ngành Lâm nghiệp Phú Yên theo hướng bền vững. Tại hội thảo này, các đơn vị quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp đã phân tích, đánh giá và đưa ra những kinh nghiệm trong quản lý rừng bền vững… cho tỉnh Phú Yên. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến phát huy tiềm năng trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở NN và PTNT, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở Phú Yên hơn 276.000ha, chiếm khoảng 54,95% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt khoảng 90.200ha. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, thực tế trồng rừng của tỉnh Phú Yên chủ yếu khai thác gỗ nhỏ, thời gian ngắn chưa phát huy hết giá trị tiềm năng về lâm nghiệp của địa phương. GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, để mở rộng được diện tích rừng gỗ lớn, điều cần thiết là tỉnh phải xây dựng được các phương án sản xuất nông-lâm kết hợp giúp người trồng rừng cải thiệt được thu nhập trong thời gian trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kéo dài trên 10 năm.
UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đã có đề án quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn. Theo đó, đến năm 2020 hình thành và phát triển vùng trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đáp ứng nhu cầu chế biến và quy hoạch trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, rừng tự nhiên. Đồng thời đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt khoảng 20m3/năm, bảo tồn gắn với phát triển những loài lâm sản có giá trị kinh tế cao… Để giải bài toán về vốn, thời gian gần đây, tỉnh cùng ngân hàng nhà nước đã làm việc các Quỹ đầu tư chuyên về lâm nghiệp, mời về tỉnh hỗ trợ người dân phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm nghiệp cả nước đạt 9,3 tỷ đô la (tương đương 38 triệu m3 gỗ). Tuy nhiên, chủ yếu xuất khẩu gỗ dăm chiếm hơn 16 triệu m3 và một số mặt hàng gỗ có giá trị thấp; chưa có nhiều sản phẩm gỗ tinh chế để xuất khẩu… Mục tiêu của ngành lâm nghiệp đến năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm nghiệp đạt trên 11 tỷ đô la. Đó cũng là đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn ngành lâm nghiệp. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra: phải phát triển rừng theo hướng bền vững (có chứng chỉ FSC) để thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu có giá trị cao như Mỹ, EC và Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay chính sách hỗ trợ phát triển rừng có chứng chỉ đã có nhưng để kéo dài thời gian khai thác gỗ rừng trống cần có sự hỗ trợ của các ngân hàng.
Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên cho biết, đang tiếp tục hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, thúc đẩy các đơn vị trồng rừng lập thủ tục cấp chứng chỉ FSC quốc tế và xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong lâm nghiệp. Đồng thời đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho người dân tham gia quản lý và rà soát lại toàn bộ diện tích đất nương rẫy thuộc quy hoạch lâm nghiệp để xây dựng dự án hỗ trợ giống cây thúc đẩy trồng rừng sản xuất. Tỉnh cũng kiến nghị Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận thị trường, liên kết chuỗi trong sản xuất và chế biến gỗ./.
An Bang