Đào tạo nghề: khi cung - cầu vênh nhau

08:54, 23/09/2018 [GMT+7]

 

Đào tạo nghề: khi cung - cầu vênh nhau
Đào tạo nghề: khi cung - cầu vênh nhau


Hiện nay, thị trường lao động cần những nhân lực có kỹ năng thực hành lành nghề, các doanh nghiệp cần tuyển lao động có kiến thức nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng vấn đề bằng cấp… Chính vì vậy, xu hướng học nghề đang ngày càng hấp dẫn người học nhờ được gắn với với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, định hướng đúng nghề nghiệp để phân luồng cho học sinh vào học nghề vẫn là bài toán khó, điều này dẫn đến những bất cập trong cung - cầu đào tạo nghề.

Tại ngày hội việc làm cho học sinh - sinh viên của trường CĐ Nghề Phú Yên vừa được tổ chức với sự tham gia của gần 10 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp là hơn 2.000 lao động, trong khi khóa tốt nghiệp này của trường chưa đến 150 học sinh, sinh viên. Và trong số học sinh, sinh viên tốt nghiệp khóa này lại có đến 80% đã tìm được việc làm nên không có nhu cầu tìm việc.

Đến với hội chợ việc làm lần này, công ty TNHH Rượu Vạn Phát hy vọng tuyển được những công nhân lành nghề để làm việc, Tuy nhiên trong 1 buổi chỉ có 1 nhóm sinh viên đăng ký ứng tuyển. Những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề nhóm ngành kỹ thuật luôn trong tình trạng cầu vượt cung; nhu cầu tuyển dụng lớn, trong khi người tốt nghiệp nghề lại rất ít. Do đó, hầu hết học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm nên không mặn mà với ngày hội việc làm.

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 2.000 cơ sở cung cấp đào tạo nhiều ngành, nghề khác nhau ở các trình độ từ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Nước ta cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Tuy nhiên, tỉ lệ học nghề những năm qua còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý ưa chuộng bằng đại học. Các trường nghề không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào rất ít. Đây là sự lãng phí rất lớn.

Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực các ngành du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ nhưng lại gặp khó trong tuyển sinh. Vậy nên, những năm gần đây, các trường thuộc hệ thống nghề nghiệp thực hiện chính sách tuyển sinh là tuyển dụng thông qua việc ký kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo việc làm cho người học sau khi ra trường. Dù đã có nhiều sự nỗ lực trong việc kéo học sinh đến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên khi nhận thức của đa số phụ huynh vẫn còn xem trọng tấm bằng đại học hơn thì tình trạng bất cập trong cung – cầu của thị trường nghề nghiệp vẫn còn tiếp diễn./.

Lê Hùng