Làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản

14:31, 22/09/2018 [GMT+7]

 

Làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản
Làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản

 

Nuôi trồng thuỷ sản được xem là ngành có lợi nhuận hấp dẫn và thị trường rộng lớn, đặc biệt là con tôm. Nhằm tạo sản phẩm sạch bệnh, chất lượng cao, hướng đến các thị trường khó tính Âu - Mỹ, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị không ngần ngại đầu tư lớn, nắm bắt khoa học công nghệ để nuôi trồng thuỷ sản. Thực tế cho thấy, nếu làm chủ được công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị rất cao.

Đây là khu nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước biển ven bờ tại Công ty TNHH thuỷ sản Đắc Lộc. Khu nuôi được thiết kế như một khu thực nghiệm thuỷ sản công nghệ cao. Toàn bộ quy trình từ cho ăn đến chăm sóc, quản lý đều theo tiêu chuẩn Gobal G.A.P.

Sản phẩm của Công ty được đánh giá hoàn toàn sạch bệnh và hiện xuất trực tiếp sang nhiều thị trường khó tính Châu Âu, Châu Mỹ. Thành công của Đắc Lộc trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm thẻ trên cát đã đưa công ty trở thành một trong những doanh nghiệp thuỷ sản hàng đầu ở miền Trung và cả nước.

Ngoài nuôi tôm thẻ thương phẩm bằng nước biển, Công ty cũng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất tôm giống sạch bệnh cung cấp cho nhiều tỉnh thành.  Không dừng lại ở đó, hiện nay, Đắc Lộc đang thực hiện Dự án thuộc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia: “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ”, nuôi tôm hùm bằng công nghệ RAS và sử dụng thức ăn công nghiệp dần thay thế thức ăn tươi và Dự án cấp tỉnh "Xây dựng mô hình nuôi tôm hùm lồng công nghệ Nauy theo hướng bền vững tại các vùng ven biển tỉnh Phú Yên".

Với lợi thế là tỉnh ven biển với nhiều đầm vịnh, nghề nuôi thuỷ sản được xác định là thế mạnh của Phú Yên. Tuy nhiên, do sự phát triển quá nóng lồng nuôi vì yếu tố lợi nhuận, cộng với công nghệ nuôi theo kiểu truyền thống , đã khiến môi trường bị quá tải, ô nhiễm phát sinh, gây thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó tình trạng sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát đã khiến cho sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Việc triển khai thành công các dự án nuôi tôm thẻ và tôm hùm của Đắc Lộc bằng việc làm chủ công nghệ sẽ mở ra triển vọng cho nghề nuôi tôm Phú Yên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của Quốc gia là đưa giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD vào năm 2020./.

Lê Biết