Chuyện về cô giáo gieo chữ - giữ văn hóa vùng cao

11:21, 17/02/2021 [GMT+7]

 

 Chuyện về cô giáo gieo chữ - giữ văn hóa vùng cao
Chuyện về cô giáo gieo chữ - giữ văn hóa vùng cao

 

Ở những vùng miền núi đặc biệt khó khăn, giúp các em học sinh tiếp cận với con chữ đã khó, để các em vừa có niềm đam mê học tập vừa hiểu và gắn bó hơn với văn hóa truyền thống lại càng là chuyện khó hơn. Ấy vậy mà gần 20 năm qua, có một cô giáo vẫn miệt mài với những bài giảng đặc biệt, gieo niềm say mê với văn học và những nét đẹp văn hóa truyền thống đến từng thế hệ học sinh.

Tiết học ngoại khóa ngày cuối năm của cô giáo người dân tộc Nùng Lê Thị Thu Trang ở trường TH và THCS Eatrol, huyện Sông Hinh. Những thanh âm réo rắt từ loại nhạc cụ truyền thống cuốn hút từng cô, cậu học trò. Đó là cách mà cô Trang giới thiệu đến các em học sinh về bài thơ khá nổi tiếng “Cô gái vót chông”. Giờ học của cô Trang là những câu chuyện. Cô kể với các em về tác giả bài thơ, già làng, nghệ nhân Mô Lô Y Choi, người con của chính mảnh đất Eatrol này. Cô kể với các em về những cô gái vùng cao vót chông tiêu diệt quân thù trong kháng chiến chống Mỹ, để các em thêm tự hào về những cha ông đi trước. Giờ học của cô còn là những trải nghiệm thực tế với những loại nhạc cụ, trang phục truyền thống, để các em thêm yêu hơn văn hóa của mình hơn...

 Sinh ra ở tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên, từ nhỏ cô Trang đã theo cha mẹ vào lập nghiệp ở vùng đất Sông Hinh, Phú Yên. Tuổi thơ gắn bó đã giúp cô hiểu và thêm mến yêu bà con đồng bào Êđê nơi đây. 17 năm cô đứng trên bục giảng, giảng dạy ở nhiều trường, song đa phần là địa bàn xã nghèo, vùng sâu, vùng xa. Không chỉ mong muốn các em được tiếp cận con chữ, cô giáo ở vùng cao này còn ấp ủ một mong ước riêng và điều đó được thể hiện trong chính những bài giảng của cô. Những giờ học đặc biệt, lôi cuốn, không chỉ giúp những học sinh vùng cao hiểu hơn, yêu hơn văn hóa truyền thống dân tộc mà từ đó còn tạo niềm say mê học tập cho các em...

17 năm gắn bó với bục giảng, cô giáo Lê Thị Thu Trang nhiều lần vinh dự nhận các giải thưởng trong nghề. Tuy nhiên, với cô giáo vùng cao này, phần thưởng lớn nhất có lẽ chính là những khuôn mặt học trò say mê theo từng bài giảng của cô, để rồi mai này, chính các em sẽ cùng cô tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của quê hương, dân tộc mình.../.

Hồng Thủy – Lê Hùng