Tăng cường sản xuất sắn đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch |
Thị trường Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra, điều chỉnh chính sách đối với sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam, khiến xuất khẩu sắn tiếp tục gặp khó. Khó khăn bởi vì hơn 90% đầu ra của sản phẩm này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi phần lớn giao dịch là qua đường tiểu ngạch đã dẫn tới khó khăn khi nước này siết chặt giao thương theo đường tiểu ngạch. Để tăng lượng hàng xuất khẩu chính ngạch, nhiều biện pháp truy xuất nguồn gốc đối với cây trồng này đang được các doanh nghiệp chế biến chú trọng.
Bước vào thời điểm thu hoạch, cây sắn niên vụ 2018 - 2019 luôn được thu mua với giá cao, từ 2.300 đến 2.600 một ký. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư và nhân công, mỗi hecta người trồng sắn có lãi từ 10 đến 12 triệu đồng.
Không chỉ được giá mà cây sắn niên vụ này còn đạt sản lượng cao. Đến thời điểm hiện nay, nhà máy tinh bột sắn huyện Đồng Xuân đã thu mua 44.000 tấn sắn nguyên liệu và sản xuất được 11 ngàn tấn tinh bột. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối vụ, nhà máy sẽ thu mua khoảng 88.000 tấn nguyên liệu sán để xuất thêm 22 ngàn tấn tinh bột sắn. Tuy nhiên, thị trường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc hạn chế trong cuối năm vừa qua khiến sản lượng xuất khẩu theo đường này bị sụt giảm vì Trung Quốc tăng cường kiểm tra, có sự điều chỉnh chính sách và áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu, đòi hỏi các nhà máy phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã yêu cầu các nhà máy quy mô nhỏ, hộ gia đình phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; Người nông dân và các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, quản lý, tăng cường khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mặt hàng này.
Đặng Dự - Thế Hoan