Chiều ngày 21/7/2017, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến nhân dân vùng lũ hạ du các nhà máy thuỷ điện và hồ chứa trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế và Giám đốc Sở Công thương Đào Tấn Cam chủ trì hội thảo. Đây là cuộc tham vấn ý kiến lần đầu tiên được tổ chức quy mô lớn với sự tham dự đông đảo người dân là đại diện nhân dân ở các khu dân cư vùng hạ du, vùng xung yếu thường xuyên bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Hội thảo tham vấn |
Trong thời gian qua, công tác vận hành hồ chứa của các nhà máy thuỷ điện cơ bản tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành liên hồ liên hồ chứa và đơn hồ chứa đã được phê duyệt. Nhìn chung, các đơn vị quản lý hồ chứa đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc theo dõi mực nước triều kết hợp lưu lượng mưa thượng nguồn và lưu lượng nước về hồ để vận hành xả tràn, đảm bảo an toàn công trình đầu mối, làm chậm đỉnh lũ, giảm lũ nhân tạo ở hạ du. Trong mùa cạn, các nhà máy thuỷ điện đã phối hợp chạy máy phát điện luân phiên để cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp hạ du. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cũng cho rằng trong quá trình vận hành có những bất cập. Thứ nhất là khi thực hiện quá trình vận hành xả lũ chúng ta đã chưa tính đến các yếu tố về địa hình, dồn lũ và yếu tố tích lũ do thuỷ triều lên. Bên cạnh đó ngay cả việc chạy máy phát điện đối với một số thuỷ điện có lượng nước phát điện lớn tương đương việc xả lũ đến vài trăm m3/giây cũng là việc đáng lo trong đảm bảo an toàn mà quy chế vận hành liên hồ hay đơn hồ trước đây chúng ta chưa tính đến.
Thực tế trong thời gian qua, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn có lúc còn chậm, chưa kịp thời, việc cập nhật thông tin thời tiết thượng nguồn, lượng nước về hồ, mực nước báo động tại các trạm thuỷ văn, diễn biến triều cường cũng gặp nhiều khó khăn. Thông tin xả lũ đến với nhiều khu vực dân cư chậm khiến người dân không kịp di dời tài sản. Những thiệt hại nặng nề tại các vùng hạ du đối với sản xuất và đời sống trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan cũng có, trong đó có việc nhân dân chưa nắm bắt kịp thời thông tin về xả lũ dẫn đến bị động trong việc phòng tránh, di dời tài sản.
Thuỷ điện Sông Hinh xả lũ năm 2016 Thiệt hại do xả lũ thuỷ điện năm 2016 |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến người dân cho rằng, cần phải thiết lập hệ thống cảnh báo phù hợp với từng vùng hạ du, trong đó phải tính đến những vùng đặc thù về địa hình; cần thiết phải xây dựng mỗi xã một hệ thống còi hụ để nhân dân biết và phòng tránh; nâng thời gian cảnh báo xả lũ lên hơn 2g so với quy định hiện nay; ở những vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt khi có xả lũ phải có phương án lâu dài là tái định cư, đưa dân đến nơi cao ráo hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, trên cơ sở những ý kiến được nêu ra tại hội thảo tham vấn, tới đây UBND tỉnh sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, hiện UBND tỉnh đề nghị các công ty thuỷ điện xây dựng hệ thống cảnh báo dày hơn và các trạm quan trắc, thiết lập hệ thống cảnh báo bằng tin nhắn, hoàn thiện bản đồ ngập lụt, các phương án phòng tránh cũng sẽ tính đến thời điểm triều cường, nước biển dâng và áp dụng các phần mềm tính toán về mô hình toán mới, tính về vấn đề địa hình, tính lượng nước dâng thì sẽ số hoá bản đồ ngập lụt tốt hơn trong tương lai.
Tất cả những việc làm trên nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo người dân vùng hạ du giảm thấp nhất tổn thất khi có xả lũ do mưa lớn xảy ra. Đồng thời đảm bảo an toàn các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi trong mùa mưa lũ./.
Lê Biết - Quốc Hoàn