Nông nghiệp nông thôn Phú Yên: chuyển biến từ chính sách tam nông

14:21, 31/01/2019 [GMT+7]

 

Nông nghiệp nông thôn Phú Yên: chuyển biến từ chính sách tam nông
Nông nghiệp nông thôn Phú Yên: chuyển biến từ chính sách tam nông


Là một tỉnh nông nghiệp, sau 30 năm tái lập tỉnh, tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân chuyển biến mạnh mẽ. Cơ giới hóa được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, đáp ứng hơn 90% nhu cầu của nông dân. Cũng nhờ vậy, đời sống người dân cũng như bộ mặt nông thôn Phú Yên có nhiều thay đổi tích cực…Đó là kết quả từ định hướng đúng đắn của ngành nông nghiệp tỉnh nhà từ sau tái lập tỉnh đến nay và đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phú Yên có lợi thế phát triển nông nghiệp với diện tích sản xuất lên gần 140 ngàn ha mỗi năm. Thế nhưng, do xuất phát điểm thấp, hạ tầng còn nhiều yếu kém, đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn sau tái lập tỉnh. Chính vì vậy, với mong muốn sớm đưa khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vươn lên phát triển khá, từ sau tái lập tỉnh đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, sản xuất lúa từ chỗ thiếu ăn, đến nay đã có bán với sản lượng đạt sấp xỉ 40 vạn tấn/năm; có giới hóa sản xuất nhiều khâu đạt 100%; khoa học kỹ thuật được ứng dựng rộng rãi trên nhiều cánh đồng, nâng cao rõ rệt năng suất cũng như chất lượng sản phẩm nông- lâm- thủy sản. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng cao.

Một trong những thành công trong thời gian qua, đó là định hướng phát triển ngành nghề phù hợp theo từng giai đoạn. Trong đó, ưu tiên công tác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu được toàn ngành, toàn xã hội thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh ổn định và tăng trưởng khá. Đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ gia tăng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 5%/năm; huy động nguồn lực xã hội đầu tư và nông nghiệp- nông thôn tăng gần 2,5 lần so với 10 năm trước; kết cấu hạ tầng tiếp tục được nâng cấp và xây dựng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao tỉ trọng nghề phi nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị... Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 45/88 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 3 lần so với 10 năm trước.

Những kết quả đạt được về nông nghiệp, nông thôn đã làm thay đổi về chất đời sống nông dân và nông thôn của tỉnh. Đây là cơ sở, động lực để ngành nông nghiệp hướng đến thực hiện đạt mục tiêu nâng cao thu nhập người dân lên 35 triệu đồng/người/năm (không còn hộ nghèo) và 65% số xã đạt chuẩn tiêu chí xã NTM; số xã còn lại bình quân đạt trên 10 trong số 19 tiêu chí NTM vào năm 2020... Yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp là cần tiếp tục nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, hạn chế và nỗ lực khắc phục, để phát huy tối đa lợi thế lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng./.

An Bang