Nhìn lại 10 năm triển khai Nghị quyết TƯ 7 khóa X về phát triển "tam nông" ở tỉnh Phú Yên

07:42, 03/08/2018 [GMT+7]

 

Nhìn lại 10 năm triển khai Nghị quyết TƯ 7 khóa X về phát triển “tam nông” ở tỉnh Phú Yên
Nhìn lại 10 năm triển khai Nghị quyết TƯ 7 khóa X về phát triển “tam nông” ở tỉnh Phú Yên


Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (khóa 10) về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở tỉnh Phú Yên, sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân và bộ mặt nông thôn đã có sự chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, với tiềm năng và lợi thế về các điều kiện phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh cần có sự đột phá hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Sở NN và PTNT Phú Yên, trong 10 năm triển khai Nghị quyết TƯ 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sản xuất nông lâm ngư nghiệp của tỉnh ổn định và tăng trưởng khá, với tốc độ gia tăng bình quân đạt 4,8%/năm (mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 4,5- 5%). Ngành nông nghiệp tỉnh đã huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư và nông nghiệp- nông thôn tăng gần 2,5 lần so với năm 2008; kết cấu hạ tầng tiếp tục được nâng cấp và xây dựng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao tỉ trọng nghề phi nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển cộng nghiệp, dịch vụ và đô thị... Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tác động mạnh mẽ đến chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 46,6% số xã đạt chuẩn tiêu chí Nông thôn mới; bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 3 lần so với 10 năm trước. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân các địa phương.

Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới công nghệ dây chuyền tiên tiến, áp dụng vào sản xuất tạo ra sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực ngành nông nghiệp của tỉnh... như Công ty sản xuất và thương mại Hoàng Long Vina đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón tạo hạt bằng công nghệ tháp cao đầu tiên tại Việt Nam và hiện đại bật nhất hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, với công suất hơn 60 ngàn tấn/năm. Ngoài ra, bà Thái Hương- Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Bắc Á, người sáng lập và là nhà tư vấn đầu tư của Tập đoàn TH đã quyết định động thổ dự án trang trại bò sữa với mục tiêu biến vùng cao nguyên Vân Hoà trở thành một trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghệ cao thứ 2 tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, TH còn muốn tận dụng các lợi thế tại Phú Yên để đầu tư rau quả sạch và các loại nông sản khác và biến nơi đây thành vùng đất của nông sản sạch phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh 10 năm qua, đặc biệt là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, việc cần thiết là phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng với sự phát triển nông thôn của cả nước, cũng như nông thôn Phú Yên. Do đó, bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xác định nhiều mục tiêu cần thực hiện có hiệu quả, tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong những năm tới và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018- 2020.

Những kết quả đạt được về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2008- 2018 là cơ sở, động lực để ngành nông nghiệp hướng đến thực hiện đạt mục tiêu nâng cao thu nhập người dân lên 35 triệu đồng/người/năm (không còn hộ nghèo) và 65% số xã đạt chuẩn tiêu chí xã NTM; số xã còn lại bình quân đạt trên 10 trong số 19 tiêu chí NTM vào năm 2020... Dù vậy, trong 10 năm thực hiện NQTW7 về phát triển “tam nông”, tỉnh Phú Yên vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận thẳng thắn và nỗ lực khắc phục, để NQTW7 phát huy tối đa hiệu quả, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. /.

An Bang