Khi nông dân không còn mặn mà với cây mía

04:57, 29/07/2018 [GMT+7]

 

Khi nông dân không còn mặn mà với cây mía
Khi nông dân không còn mặn mà với cây mía


Giá mía liên tục xuống thấp, việc tiêu thụ đường khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày này tại Phú Yên. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, đang xảy ra tình trạng nông dân phá mía để trồng sắn, gây phá vỡ quy hoạch và tiềm ẩn nhiều mối nguy khác.

Những chân đất này trước đây là diện tích mía lưu gốc năm thứ 2 của người dân xã Ea chà rang, huyện Sơn Hoà, nhưng lúc này đất đã được cày để trồng cây khác. Không trồng mía nữa vì làm thì có mà thu thì không, vì chi phí quá cao... đó là khẳng định của nhiều nông dân xã miền núi này.

Tại xã Krongpa, huyện Sơn Hoà, tình trạng người dân phá mía trồng sắn cũng diễn ra khá phổ biến. Những diện tích này trước đây trồng mía, thì nay được thay thế bằng cây sắn và bắp. Nhưng những ngày nắng hạn vừa qua, cả hai cây trồng này đều không phát triển được, thậm chí chết khô, nhưng người dân vẫn làm, theo kiểu may rủi.

Hiện, diện tích sắn trồng mới trong niên vụ này đến nay là gần 18.000ha và người dân vẫn tiếp tục xuống giống. Việc trồng sắn ồ ạt sẽ dẫn đến nguy cơ dư thừa nguyên liệu trong vụ tới, khi thị trường biến động theo chiều hướng giảm. Thiệt hại lại thuộc về người nông dân.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Tuy nhiên, đến lúc này các nhà máy đường vẫn đang gỡ khó.

Chuyện trồng rồi phá bỏ vì chạy theo giá đã từng xảy ra nhiều năm ở nhiều cây trồng, nhưng đến lúc này vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn, giúp vùng nguyên liệu phát triển ổn định./.

Lê Biết -  Quốc Hoàn