Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão lũ

10:33, 01/11/2019 [GMT+7]

Sáng nay (31/10), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão lũ sau cơn bão số 5 tại các tỉnh từ Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế.

Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão lũ
Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão lũ

 

 

Báo cáo nhanh tình hình triển khai công tác ứng phó cơn bão số 5 tại Phú Yên, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, tính đến 8 giờ sáng 31/10, bão số 5 không làm thiệt hại về người nhưng làm 8 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 14 nhà thiệt hại từ 30-50%: 12 nhà thiệt hại dưới 30%. Bão kèm theo mưa lớn cũng làm 70 ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập úng và ngã đổ; 19 tàu thuyền của ngư dân bị chìm và hư hỏng do sóng va đập. Mưa lớn làm hàng ngàn khối đất đá bị sạt lở, chủ yếu ở kênh mương thủy lợi và đập. Riêng sạt lở đất đá kênh mương, đập và công trình thủy lợi với khối lượng 1.020m3. Giao thông bình thường, nhưng một số tuyến đường cây cối ngã đổ, mặt đường và nền đường đất đá xói lở, bồi lấp mái taluy, ngành giao thông triển khai khắc phục trong sáng ngày 31/10.

Công tác khắc phục sau bão số 5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cũng cho biết, ngay trong sáng này 31/10, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình hồ chứa, đập, thủy lợi và công trình thủy điện sau mưa bão; thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết sau bão có khả năng mưa lớn gây ra lũ và ngập lụt, chủ động các phương án di dời, sơ tán dân ở những vùng trũng thấp, vùng bị ngập lụt, cô lập, chia cắt đến nơi an toàn sau cơn bão số 5.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: công tác ứng phó bão số 5 của các địa phương được triển khai tích cực. Theo đó, công tác dự báo của Trung tâm khí tượng Quốc gia, chất lượng dự báo được nâng cao, thông tin chuyển đến người dân nhanh; báo chí cùng đồng hành, cùng vào cuộc để người dân thấy rõ tình hình bão, diễn biến bão để nắm rõ, kịp thời ứng phó. Nhờ đó, dù cơn bão số 5 diễn biến phức tạp nhưng thiệt hại sau sơn bão không lớn, nhất là không thiệt hại về người. Theo Phó Thủ tướng, dự báo từ ngày 3-10/11, có thể xảy ra cơn bão mới, đề nghị, các địa phương khẩn trương kinh nghiệm việc làm được cũng như chưa làm được, tập trung khắc phục hạn chế; thường trực trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến sau cơn bão số 5 cũng như tình hình sắp tới, theo nhiệm vụ chức năng tập trung khắc phục hậu quả: hỗ trợ người dân gặp nạn, nhà cửa sập, mất tài sản... bằng nguồn lực tại chỗ; sớm phục hồi sản xuất; quản lý chặt chẽ mực nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; công tác chỉ đạo phải thống nhất từ trung ương đến địa phương để đảm bảo vận hành các hồ chứa an toàn, đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhận thiệt hại về người, tại sản cho nhân dân.

An Bang, Thành Tín