Khởi sắc xã miền núi đặc biệt khó khăn |
Làn gió nông thôn mới đang thổi khắp các vùng nông thôn. Ở các xã miền núi, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song câu chuyện nông thôn mới cũng được người dân nhắc đến nhiều trong niềm phấn khởi. Những năm qua, nhờ lồng ghép các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ, các xã miền núi đặc biệt khó khăn cũng đã có nhiều khởi sắc.
Không còn những con đường ghồ ghề trắc trở, lầy lội, chia cắt mỗi mùa mưa, đường về xã Phước Tân hôm nay thênh thang, rộng mở. Tuyến đường Xuân Phước – Phú Hải hoàn thành đưa vào sử dụng xóa bỏ sự cô lập về địa hình, đồng thời mở ra cơ hội lớn để xã Phước Tân phát triển. Những tuyến đường về các thôn buôn cũng được đầu tư bê tông hóa. Giao thông phát triển, điều dễ thấy nhất chính là việc giao thương, vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi hơn rất nhiều.
Với người dân ở xã Phước Tân, việc hoàn thành được tiêu chí số 2 về điện đánh dấu bước phát triển đầu tiên trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Phước Tân. Từ năm 2011, khi lưới điện quốc gia được đầu tư hoàn thiện, 100% người dân trên địa bàn xã có điện thắp sáng. Có điện, bà con mua được ti vi, máy xay xát, đặc biệt là phục vụ việc tưới tiêu hoa màu.
Là xã miền núi đặc biệt khó khăn với hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, Phước Tân xác định, muốn thực hiện nông thôn mới phải lồng ghép từ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ. Sự đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm là những tiền đề quan trọng để Phước Tân vươn lên xóa nghèo.
Mặc dù có nhiều khởi sắc, tuy nhiên cũng như nhiều xã đặc biệt khó khăn khác, con đường xây dựng nông thôn mới ở Phước Tân vẫn là hành trình dài. Vẫn còn rất nhiều tiêu chí được đánh giá là khó như thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế tập thể,… mà muốn thực hiện được đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã trong thời gian tới./.
Hồng Thủy – Đắc Lâm