Bức xúc về giá trong thu mua mía nguyên liệu |
Đây là diện tích mía đang vào kỳ thu hoạch của nông dân Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa. Mỗi tấn mía 10 chữ đường, nhà máy đường Tuy Hòa thu mua với giá 750.000 đồng, trong khi đó nhà máy đường Vạn Phát mua với giá 820.000 đồng/ tấn, nhà máy đường KCP mua với giá 850.000 đồng/ tấn. Trong cùng một tỉnh, sự chênh lệch giá thu mua khá cao khiến nhiều nông dân bức xúc vì thua lỗ.
Tại huyện Sông Hinh, giá mía xuống thấp và chênh lệch lớn về giá thu mua của nhà máy đường Tuy Hòa cũng khiến nhiều nông dân bức xúc. Nông dân đã bán mía cho tư thương mà không qua nhà máy, từ đó xảy ra tranh chấp vùng nguyên liệu. Mong muốn của nông dân lúc này, không phải là giá cao hay thấp, mà phải có sự công bằng giữa các nhà máy, và giữa nhà máy với nông dân.
Ngay sau khi xảy ra sự việc tranh chấp vùng nguyên liệu, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức đối thoại giữa nhà máy đường Tuy Hòa và nông dân. Nhiều nông dân cho biết, nếu không có sự bình đẳng trong thu mua mía, nông dân sẽ phá vỡ hợp đồng, hoặc phá mía.
Hai năm qua, giá mía xuống thấp, nhiều nông dân không có lãi. Nếu giá thu mua không công bằng, khả năng vào vụ tới, nông dân thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy đường Tuy Hòa cũng không còn mặn mà với cây mía.
Giá thu mua mía nguyên liệu bất bình đẳng, nhiều nông dân bức xúc chặt bỏ cây mía sau nhiều năm trời chăm sóc. Từ đó, nảy sinh nguy cơ vỡ vùng nguyên liệu, thiếu mía cho vụ sản xuất các năm tiếp theo đối với nhà máy.
Huyền Trang- Quốc Hoàn