Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao: nâng giá trị nông sản |
Sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay vẫn chỉ quan tâm đến yếu tố năng suất, sản lượng là chính; trong khi đó, yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực mà tỉnh đã và đang có nhiều ưu tiên đầu tư, nhằm tăng giá trị sản phẩm nông sản.
Trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Yên đến năm 2020, trồng trọt vẫn là lĩnh vực quan trọng được ưu tiên đầu tư và mời gọi các dự án ứng dụng công nghệ cao. Khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ kiểm soát được chất lượng từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, Trung tâm ứng dụng và Chuyển giao KHCN tỉnh đã xây dựng hai nhà màng trồng dưa lưới và sung magic với diện tích gần 900m2. Đây là yếu tố bước đầu để áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Với 5 thiết bị cảm biến đặt tại các góc và khu vực trung tâm của nhà màng trồng dưa lưới, những dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm giá thể, nồng độ ion hòa tan trong dung dịch… được truyền liên tục về hệ thống quản lý trung tâm. Những dữ liệu này cũng được cập nhật đồng thời trên app điện thoại, nếu có lỗi hoặc thay đổi bất thường sẽ lập tức báo qua tin nhắn. Khi đó, cán bộ kỹ thuật dù đang ở bất cứ đâu cũng có thể theo dõi và điều chỉnh các thông số kỹ thuật của vườn dưa lưới, đảm bảo giá thể phát triển tốt và đồng đều. Từ đó, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ đòi hỏi kinh phí để thực nghiệm mà còn phải thay đổi tư duy trong việc làm nông nghiệp sạch. Lúc này, yếu tố hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, làm thế nào để áp dụng được trên những qui mô sản xuất nhỏ, phù hợp với nông hộ là bài toán cần được tính đến.
Hiện, Chính phủ đang có chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, về phía tỉnh cũng đang có những phương án nhằm hỗ trợ cho nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng giá trị nông sản.
Ngọc Hiền- Lê Hùng