Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng - hướng đi trong xu thế kinh tế thị trường

12:40, 08/07/2021 [GMT+7]

Phú Yên có nhiều ngành, nghề truyền thống, nhờ đó tạo ra nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của đặc sản Phú Yên là sản xuất chưa theo quy trình, việc xây dựng nhãn hiệu còn hạn chế khiến giá trị sản phẩm còn thấp, dễ bị làm giả gây mất danh tiếng. Do đó, việc xác lập nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ dần loại bỏ các hạn chế vốn có, nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống và quan trọng hơn là phù hợp với xu thế sản xuất mới trong kinh tế thị trường.

.

 

Nhắc đến Sơn Thành Đông, không thể không nhắc đến những loại đặc sản mà từ lâu đã mang thương hiệu Sơn Thành như: hồ tiêu, bơ, mít. Trong đó, trái bơ Sơn Thành được nhiều người biết đến bởi độ sáp dẻo, thịt dày và béo. Du khách xuôi ngược trên quốc lộ 29, qua đoạn Sơn Thành Đông đều ghé mua sản vật ở vùng đất này mang về làm quà. Nổi tiếng, giá bán cao, chính vì vậy một số thương lái đã đưa bơ từ nơi khác về lấy danh tiếng của bơ Sơn Thành để bán ra thị trường. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng tới danh tiếng của trái bơ Sơn Thành.

Để bảo vệ danh tiếng cho trái bơ Sơn Thành, xây dựng thương hiệu độc quyền cho loại trái cây này, năm 2019, huyện Tây Hòa xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bơ Sơn Thành” và được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu này vào tháng 10/2020. HTX Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Sơn Thành Đông là đơn vị sở hữu nhãn hiệu.

Theo HTX Sơn Thành Đông, từ khi có nhãn hiệu tập thể đến nay đã có 48 thành viên HTX đáp ứng đủ điều kiện được trao quyền sử dụng nhãn hiệu. Trái bơ được dán nhãn hiệu giúp người trồng bơ Sơn Thành tự tin trong giao thương đồng thời giúp phát triển sản phẩm theo hướng chuỗi liên kết hàng hóa.

Không chỉ bơ Sơn Thành, có nhãn hiệu sản phẩm người làm mắm truyền thống thôn Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa cũng dần thay đổi quan niệm sản xuất. Một số cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm tại đây sau khi tham gia thành viên nhãn hiệu tập thể nước mắm Long Thủy đã nhận ra sự cần thiết và lợi ích của việc dán nhãn hiệu đặc sản đặc trưng của địa phương.

Bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng của địa phương thông qua xác lập các nhãn hiệu tập thể sẽ mang lại những hiệu quả tích cực như: hạn chế rủi ro về biến động giá, mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Qua đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm được sản xuất ra và người sản xuất sẽ phải tuân thủ quy trình cũng như chất lượng sản phẩm theo chuẩn đã đăng ký. Điều này sẽ giúp sản phẩm truyền thống thoát khỏi vấn đề về chất lượng thường bị so sánh với sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất mới sẽ giúp người dân chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, năng động hơn trong kinh tế thị trường.

Đắc Lâm - Quốc Hoàn

Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng - hướng đi trong xu thế kinh tế thị trường