Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”: Nhiều chuyển biến tích cực |
Thực hiện Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, sau 5 năm thực hiện đề án với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị công tác xây dựng xã hội học tập có chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân.
Vẫn là phấn trắng, người thầy quen thuộc giảng dạy chương trình giáo dục cấp 2. Nhưng, học viên phần lớn là những người lớn tuổi, vẫn đến lớp đều đặn vào các chiều thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Lớp học này được mở để thực hiện đề án xóa mù của ngành giáo dục tỉnh nhà. Ông Hùng, năm nay 68 tuổi vẫn đến lớp. Với ông, học là để con cháu ông noi theo, học để có thêm kiến thức làm nông nghiệp. Điều dễ nhận thấy nhất sau 5 năm thực hiện đề án là chương trình đã nhận được sự ủng hộ, tham gia của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, nhận thức của xã hội về học tập và học tập suốt đời đã thấm sâu trong nhân dân. Các phong trào khuyến học, “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cơ quan học tập”, “đơn vị học tập”…. ngày một nở rộ. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án đã tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục, củng cố và nâng cao chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận biết chữ mức độ 1 chiếm 98,45% và mức độ 2 gần 98%.
Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt là các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tích cực phối hợp thực hiện hiệu quả Đề án này. Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã cấp hơn 300 triệu đồng thực hiện các hoạt động truyền thông và dựng pa nô để tuyên truyền công tác xây dựng xã hội học tập, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, sở, ngành và tổ chức đoàn thể được duy trì tích cực. Vai trò của cấp cơ sở, các Trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức Hội khuyến học và hệ thống giáo dục trong công tác tuyên truyền và phổ biến những nội dung cũng như tổ chức thực hiện Đề án này đến được với từng cá nhân, gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị. Các hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ năm 2013 đến nay, công tác sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức hoạt động của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã, đang phát huy tính năng động, hiệu quả thực tế hơn về công tác xóa mù chữ, nâng cao dân trí, giáo dục nghề nghiệp ở cơ sở. Ngoài ra, ở 112 xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, nơi đây là địa chỉ cho nhân dân tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức văn hóa, khoa học, công nghệ để áp dụng trong đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế gia đình../.
Lê Hùng