Khơi lại văn hóa đọc trong thời công nghệ số

13:18, 04/10/2018 [GMT+7]

 

Khơi lại văn hóa đọc trong thời công nghệ số
Khơi lại văn hóa đọc trong thời công nghệ số

 

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển với tốc độ cao như hiện nay, con người ngày càng có nhiều sự lựa chọn trong việc tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, được cầm trên tay những cuốn sách mình yêu thích và chọn cho mình những không gian thích hợp để đọc sách vẫn được nhiều người lựa chọn…Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, nhiều đơn vị đã có những cách làm hay để kéo bạn đọc đến với sách.

Mỗi ngày 1 lần hoặc 2 lần, những học sinh này lại đến thư viện để đọc hay tìm cho mình những cuốn sách yêu thích. Từ đầu tuần đến hôm nay, ngày nào em Dương Hoài Phương Uyên và các bạn học sinh ở trường THCS Trần Quốc Toản, Tp Tuy Hòa cũng đều đến đây đọc sách. Những gian sách với hơn 500 đầu sách trưng bày tại đây thực sự thu hút các em…

Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, từ đầu tháng 10, trường THCS Trần Quốc Toản, Tp Tuy Hòa phối hợp thư viện tỉnh trưng bày nhiều kệ sách cùng với không gian đọc thích hợp, mong muốn khơi lại niềm vui đọc sách trong học sinh. Không chỉ được đọc sách, đến đây, các em còn được giới thiệu nhiều loại sách mới, bổ ích cho tri thức cũng như tham gia và các trò chơi trí tuệ vui nhộn khác. Với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử, nhất là các thiết bị di động, người đọc ngày càng có nhiều lựa chọn tiện lợi cho việc đọc sách. Tuy nhiên, với nhiều người, được cầm đọc những cuốn sách vẫn có nhiều điều thú vị mà những thiết bị điện tử không thể có.

Không chỉ có tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, mà ngay từ đầu năm học mới này, chương trình “Sách hóa nông thôn” đã đến với Phú Yên với mong muốn các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa hay khu vực nông thôn xây dựng được thói quen đọc sách.

Tuần lễ học tập suốt đời đang diễn ra trên cả nước với nhiều hoạt động trao đổi sách tại các trường đại học, thư viện sách lưu động,… hi vọng sẽ là những cách làm hiệu quả giúp giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến sách. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người, từ học sinh cho đến người lớn tuổi phải tạo được thói quen yêu sách, đọc sách, để văn hóa đọc đến với người đọc một cách tự nhiên, tự nguyện. Có như vậy mới tạo gốc rễ tốt cho việc phát huy trí tuệ, bổ sung vốn kiến thức và hoàn thành nhân cách của  mỗi người.

Lê Hùng