Gìn giữ làn điệu dân ca từ CLB hát dân ca địa phương

12:23, 24/09/2018 [GMT+7]

 

Gìn giữ làn điệu dân ca từ CLB hát dân ca địa phương
Gìn giữ làn điệu dân ca từ CLB hát dân ca địa phương


Đối với các di sản văn hoá phi vật thể, việc bảo tồn từ cộng đồng là rất quan trọng để di sản đó phát huy ảnh hưởng trong đời sống xã hội. Những năm gần đây, ở Phú Yên đã hình thành một số câu lạc bộ văn nghệ nghiệp dư, quy tụ những người yêu thích hát dân ca. Các thành viên không chỉ thể hiện tài năng, niềm đam mê của mình mà còn góp phần lưu truyền, giữ gìn các làn điệu dân ca truyền thống, đặc biệt là bài chòi.

Những làn điệu dân ca cất lên từ ngôi nhà của nghệ nhân Bình Thảng là âm thanh quen thuộc với cộng đồng cư dân ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa. Đây là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ hát dân ca huyện Đông Hòa, quy tụ những người yêu thích loại hình văn nghệ dân gian bài chòi ở địa phương. Đã hơn chục năm nay, các em nhỏ cùng người yêu thích dân ca thường tìm về ngôi nhà của nghệ nhân Bình Thảng để được truyền dạy những bài hát dân ca...Cũng từ đây, phong trào văn nghệ dân gian đi vào cuộc sống, lan toả đến các cụm dân cư, trở thành nét sinh hoạt nghệ thuật quần chúng.

Nhiều em tham gia “CLB đàn hát dân ca huyện Đông Hòa” đến với dân ca từ khi còn là đứa trẻ. Ngày qua ngày, những điệu bài chòi cứ đi vào máu thịt. Đến lúc này, ở độ tuổi tưởng như chỉ biết đến nhạc trẻ, các em vẫn lựa chọn một lối đi riêng là tìm về với những làn điệu dân ca, bài chòi hồn hậu, sâu lắng như chính con người ở vùng đất này…

Ở làng biển Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, có một gia đình mà cả 8 thành viên cùng một niềm đam mê những lời ca chân chất, gần gũi của bài chòi - đó là gia đình của bà Hứa Thị Gửi. Đến với âm nhạc từ năm lên 8, bà Gửi được cha là ông Hứa Văn Minh- Trưởng đoàn hát nghiệp dư Tiếng hát quê hương ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa nuôi lớn bằng ánh đèn sân khấu. Nhanh chóng, bà trở thành nòng cốt của phong trào biểu diễn nghệ thuật quần chúng xã nhà. Lớn lên, theo chồng về Long Thủy, được chồng khuyến khích, bà đã “truyền lửa” cho chồng và các con, tiếp nối và lưu truyền gần 300 câu thai của bài chòi cho đến hôm nay.

Không ai phủ nhận những giá trị không bao giờ cũ của các làn điệu dân ca. Song, có lẽ chính nhịp sống hối hả, thời đại bùng nổ thông tin, áp lực cuộc sống, khiến không nhiều người còn mặn mà với dân ca cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, để giữ gìn, bảo tồn các làn điệu dân ca khỏi bị mai một và phát huy giá trị trong thực tiễn đời sống hôm nay thì, bên cạnh các chương trình đầu tư của nhà nước, có sự đóng góp rất quan trọng của những người đam mê văn hóa dân gian. Để các làn điệu dân ca truyền thống, đặc biệt là bài chòi mãi lưu truyền.

Như Thùy, An Bang