Giữ nghề - giữ Tết |
Không khí tết đang rộn ràng trong từng ngôi nhà, ngõ phố, trong từng góc làng. Ở nhiều làng quê, dù cho cuộc sống có đổi thay, nhưng có những hình ảnh tết xưa vẫn còn lưu giữ qua thời gian bằng việc giữ lại nghề truyền thống. Với họ giữ nghề tức là giữ tết.
Làng nghề cốm Phong Hậu, xã An Định, huyện Tuy An những ngày giáp tết. Vẫn không khí yên bình của làng quê, nhưng đặc biệt của nơi đây là vẫn còn tiếng nổ cốm đì đùng từ lò nổ cốm - thứ âm thanh quen thuộc của ngày tết xưa, gần như mất hẳn trong những năm gần đây.
Ngày 22 tháng Chạp, lò rang cốm của anh Phạm Văn Cường vẫn còn đỏ lửa và tiếng nổ đùng được anh Cường duy trì từ tuần đầu tháng Chạp đến 25 tết. Lượng cốm rang nổ mỗi ngày từ 2-3 tạ gạo nếp, bông cốm, bột cốm từ lò này được bán khắp nơi. Là một giáo viên, nhưng anh Cường vẫn muốn giữ lại nghề như cách để anh giữ lại nét truyền thống của ngày tết quê mình.
Ở góc này, gia đình anh Phạm Văn Vinh lại đang tất bật với việc đóng cốm dẽ. Nồi nước đường được thắng vừa tới, quyện với hương thơm từ gừng sẻ được dã nhỏ thơm nức mũi. Việc làm cốm cũng được chia nhiều công đoạn từ sên đường, nhào cốm, đóng cốm và vào bì, dán nhãn. Mỗi công đoạn đều tỉ mỉ. Mỗi viên cốm, ngoài vị thơm dẻo của bông lúa nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của gừng, nó còn chứa đựng cả tình cảm của người làm nghề.
Cốm Phong Hậu còn được biết đến một cái tên khác là cốm Chợ Đèo. Trước đây nhiều người làm nghề, nhưng do sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm bánh kẹo công nghiệp, việc tiêu thụ khó khăn, nghề truyền thống bị thu hẹp, nhưng gia đình này vẫn còn giữ được nghề, không chỉ những người con mà 2 đứa cháu cũng đang nối nghiệp ông bà như cách để giữ lại nét đẹp của ngày tết cổ truyền trong hương cốm tết.
Với tình yêu, niềm đam mê với nghề cốm truyền thống, những người như anh Truyền, anh Vinh, anh Cường và cụ Hương ...vẫn đang ngày ngày giữ lại nghề làm cốm với hương cốm tết đặc trưng Phú Yên. Với họ, giữ nghề là giữ tết./.
Lê Biết - Quốc Hoàn