Xử lý tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác

21:50, 25/02/2021 [GMT+7]

 

Xử lý tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác
Xử lý tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác

 

Một trong những công việc hàng đầu mà Việt Nam đang thực hiện theo khuyến nghị từ Ủy ban Châu Âu EC, đó là kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá.  Hiện đã có hơn 82% tàu cá từ 15 mét trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thế nhưng, một thực tế khá nổi cộm phát sinh trong thời gian qua ở một số địa phương ven biển, chính là có những ngư dân cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác. Điều này kéo theo hàng loạt hệ lụy và đi ngược nỗ lực chung của nghề cá Việt Nam để gỡ bỏ thẻ vàng mà EC đã cảnh báo. Vậy, làm thế nào để xử lý những vi phạm này?

Thiết bị giám sát hành trình gắn trên tàu cá chính là công cụ để cơ quan chức năng kiểm soát được hoạt động của tàu cá và đây cũng là cách để ngăn chặn ngay từ đầu những trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép khi đánh bắt trên biển. Đến lúc này, 100% tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Còn tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét có 600/678 tàu đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo Sở NN-PTNT, cùng với kết nối thông tin đến ngư dân qua thiết bị giám sát hành trình và việc thành lập các tổ đội khai thác xa bờ đã giúp hiệu quả nghề của của tỉnh được nâng cao.

Thế nhưng, theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2020, các tàu cá sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, lại phát sinh một thực tế: nhiều tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác trên biển. Tại Phú Yên, Chi cục Thủy sản đã phối hợp các lực lượng như phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Biên phòng tỉnh và các địa phương thanh tra kiểm tra trên biển về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đã phát hiện, xử phạt 3 trường hợp đối với hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị. Ngoài ra, chỉ một trường hợp tàu cá tắt thiết bị hành trình do sự cố tàu cá trên biển nhưng kịp thời được hỗ trợ quay vào bờ khắc phục.

Theo thống kê, trong năm 2020, các nước có đến hơn 1.300 tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trên 10 ngày. Một khi tàu cá hoạt động trên biển mà mất tín hiệu giám sát hành trình thì đó là điều rất đáng lo ngại. Bởi trong trường hợp xảy ra sự cố trên biển, việc ứng cứu khó mà kịp thời. Hơn nữa, nếu thiết bị giám sát hành trình bị ngắt kết nối thì kéo theo những khó khăn trong việc kiểm soát tàu cá, để  ngăn ngừa khai thác bất hợp pháp. Biết là vậy, nhưng cái khó ở đây là làm sao xác định đúng nguyên nhân mất tín hiệu từ thiết bị  giám sát hành trình. Đó là do trục trặc kỹ thuật hay ngư dân cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình?

Ông Nguyễn Quang Hùng-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT cho biết: Các chi cục thủy sản phải liên tục kiểm tra trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá và thông báo ngư dân, chủ tàu. Hướng khắc phục là yêu cầu bật 24/24 h. Trường hợp ngư dân tắt máy, nếu không khắc phục thì phải quay vào bờ để có biện pháp sửa chữa, khắc phục

Ủy ban Châu Âu EC đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chận khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhất là việc xây dựng khung pháp lý khá hoàn chỉnh. Nhưng EC cũng đặc biệt lưu ý đến tính hiệu lực thi hành của quy định pháp luật. Vì vậy, sắp tới, những lỗi vi phạm tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ được cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Cũng cần nói thêm, nhờ thiết bị giám sát hành trình mà năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 300 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, kịp thời kêu gọi quay vào vùng biển cho phép. Như vậy, thiết bị giám sát hành trình, trước hết là để giúp ngư dân tránh được những sự việc đáng tiếc, không bị vi phạm ở vùng biển nước ngoài.

An Bang – Quốc Hoàn