Những nữ chiến sĩ trên tuyến lửa Trường Sơn

07:40, 20/05/2019 [GMT+7]

 

Những nữ chiến sĩ trên tuyến lửa Trường Sơn
Những nữ chiến sĩ trên tuyến lửa Trường Sơn


Cách đây 60 năm, vào ngày 19/5/1959, con đường Trường Sơn huyền thoại được mở theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Đây là tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn. Dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, bao thế hệ thanh niên đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời mình để cùng nhau góp sức làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc. Trong đó, không thể không kể đến những nữ chiến sĩ Trường Sơn “Tuổi thanh xuân đến với núi rừng, dù bom rơi mưa dông nắng lửa, vượt hiểm nguy, em băng băng qua, mở đường xe anh ra tiền tuyến…”. Phóng sự thực hiện nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019).

16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom các loại – bằng tổng số bom đạn sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiếm 50% tổng số bom đạn mà đế quốc Mỹ  đã sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trên tuyến lửa Trường Sơn khốc liệt năm ấy, đối đầu với đội quân hiện đại và hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ là các chiến sĩ của Binh Đoàn 559 và hàng vạn thanh niên xung phong. Trong đó, 18.000 nữ giới tham gia trên tuyến đường Trường Sơn. Và họ từng được ví là những “nữ công binh thép”.

Là những nữ chiến sỹ anh hùng, quả cảm, “không sợ bom đạn, không sợ chết”, nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất của các nữ chiến sỹ đó chính là sự sinh ly tử biệt. Dù họ biết rằng, đó là lẽ đương nhiên. Tấm khăn dù – là kỷ vật duy nhất còn lại mà người chồng quá cố, liệt sỹ  Đặng Trường Giang đã để lại cho vợ là nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tư. Tình yêu của họ đã nảy nở trên tuyến lửa Trường Sơn, thế nhưng, cũng chính nơi này, họ phải sống nơi 2 nửa thế giới khác biệt. Nỗi đau lại càng thêm quặt thắt, khi trước đó, bà Tư đã phải chứng kiến sự ra đi của đứa con gái đầu lòng, cũng tại mặt trận Trường Sơn.

Nhưng rồi, vượt qua nỗi đau thương mất mát, hiểu rõ sự hy sinh của chồng mình cũng như bao đồng đội khác là vì mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, nữ thanh niên xung phong Võ Thi Tư vẫn kiên cường đứng lên và tiếp tục chiến đấu.

Chiến tranh kết thúc, nhiều nữ chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, những người còn lại trở về với cuộc sống đời thường tiếp tục lao động cống hiến cho đất nước. 60 năm trôi qua, ký ức Trường Sơn vẫn vẹn nguyên, khắc khoải trong từng hơi thở, trong trái tim của mỗi nữ chiến sỹ. Dù đến từ nhiều vùng quê khác nhau trên khắp mọi miền đất nước, nhưng giờ đây, họ đang có mặt trên quê hương Phú Yên, cùng nhau ôn lại những năm tháng gian khó, hiểm nguy, nhưng cũng đầy kiêu hãnh, hào hùng. Họ, những “nữ chiến sỹ thép” đã hy sinh cả tuổi trẻ, thanh xuân để cùng đồng đội làm nên chiến thắng vẻ vang, mở ra con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.

Nguyễn Hiền – Quốc Hoàn