Cô giáo Lê Thị Đà - Tấm gương về tự học và sáng tạo |
Hơn 20 năm gắn bó với phấn trắng – bảng đen, cô giáo Lê Thị Đà, giáo viên trường tiểu học Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa không ngừng học tập, phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm phục vụ công tác giảng dạy. Mỗi việc làm, mỗi hành động của cô luôn chứa đựng những tình cảm tốt đẹp dành cho những học trò thân yêu của mình.
Hết giờ lên lớp cô Lê Thị Đà lại đến với lớp học Aropic của mình... công việc đã gắn bó với cô mấy năm nay. Những động tác có thể không được thuần thục bởi đó không phải là chuyên môn của cô, nhưng cô dạy các em nơi đây vì thương học trò vùng quê nhiều thiệt thòi.
Công tác tại Trường tiểu học Hòa Tân Tây từ năm 1996, khi đó, trường không có giáo viên dạy Âm nhạc nên cô Đà đảm nhận vị trí này. Không được đào tạo chuyên sâu về Âm nhạc, lại dạy môn học đòi hỏi phải có năng khiếu, kiến thức và sự đam mê, nên cô Đà tự mày mò nghiên cứu tài liệu, không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Sau hơn 10 năm theo đuổi ước mơ, đến nay cô đã tốt chuyên nghiệp ngành Âm nhạc, Trường đại học Huế.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô chưa ngày nào thôi học hỏi, nghiên cứu để tiếp cận các phương pháp dạy học mới, đưa vào giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh. Từ năm 2006 đến nay, cô Đà đã có 9 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được các cấp, ngành công nhận, đánh giá cao và được áp dụng giảng dạy ở trường. Cô cũng vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Để học sinh hứng thú với bộ môn Âm nhạc, cô Đà đã dành nhiều thời gian và tâm huyết tự làm đồ dùng dạy học. Cô luôn áp dụng các phương pháp mới và sử dụng đồ dùng dạy học vào bài giảng của mình để cuốn hút các em. Thông qua những bài giảng, cô muốn bồi đắp văn - thể - mỹ, làm phong phú tâm hồn của học sinh, qua đó giúp các em phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường./.
Lê Hùng