Tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong nhiều lý do giúp mô hình tuần hoàn trong nông nghiệp được nhiều địa phương lựa chọn, áp dụng. Được thành lập cách đây 5 năm, một hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh Phú Yên đã chọn cách đi này và đến nay giá trị nông sản đã tăng lên nhiều lần, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp tuần hoàn - hướng phát triển bền vững của Hợp tác Xã |
5 năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp đồng Din, huyện Phú Hòa đã liên kết tiêu thụ khóm cho nông dân trong xã với 44ha. Khóm sau khi thu mua tại ruộng sẽ được đưa về hợp tác xã phân loại, làm ra 7 sản phẩm. Nhân Khóm đưa vào chế biến bánh, khóm sấy khô, giấm khóm và rượu khóm.
Còn những thứ tưởng chừng bỏ đi như: vỏ khóm cũng được HTX tận dụng đưa vào ngâm ủ làm nước rửa chén sinh học, nước lau sàn. Xác sau khi ép lấy nước thì trộn với cành, lá, cùi khóm đưa vào ủ làm phân để bón cây. Đây là hợp tác xã đầu tiên ở Phú Yên đi theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Theo tính toán của hợp tác xã, với sản lượng khóm đưa vào chế biến mỗi tháng thì lượng sản phẩm hàng hóa xuất bán khoảng 2 tấn bánh, mứt khóm; hơn 1.000 lít dấm, rượu khóm và khoảng 5.000 lít nước lau sàn…
Tất cả những sản phẩm này đã được tỉnh Phú Yên công nhận là sản phẩm OCOP và có đầu ra ổn định. Đặc biệt là trong năm ngoái, doanh thu từ các sản phẩm đã được công nhận OCOP cấp tỉnh đã nâng doanh thu của hợp tác xã đạt 2,7 tỷ đồng, nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho các thành viên.
Như vậy, có thể thấy 1 quả khóm từ khi thu hoạch đến khi cho ra sản phẩm cuối cùng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho hợp tác xã mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Và cách làm của hợp tác xã Đồng Din là hướng đi đang được Phú Yên khuyến khích triển khai để tiến tới mục tiêu sản xuất xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Phú Yên./.