Liên kết doanh nghiệp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

09:05, 10/08/2022 [GMT+7]

Giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân là bài toán không hề dễ ở nhiều địa bàn nông thôn. Thực tế có không ít lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh buộc phải rời quê nhà đến các tỉnh, thành khác tìm kiếm công việc mưu sinh. Cùng với quan tâm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp, trong định hướng phát triển của nhiều địa phương, nhất là các vùng nông thôn, đã hướng đến việc đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trọng tâm là thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn với phương châm “ly nông bất ly hương”.

Liên kết doanh nghiệp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn
Liên kết doanh nghiệp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

 

Chị Nguyễn Thị Hoa đã làm việc tại công ty TNHH Hải sản Bình Minh được 3 năm. Từ chỗ chỉ ở nhà làm công việc nội trợ, sau khi vào làm tại công ty, chị Hoa đã có thêm nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình cũng cải thiện hơn. Quan trọng hơn, doanh nghiệp này đóng chân ngay trên địa bàn xã giúp chị Hoa cũng như nhiều chị em khác vừa có công việc làm ổn định mà vẫn có thể chăm lo cho gia đình.

Không riêng đơn vị này, trên địa bàn xã An Ninh Đông hiện có nhiều doanh nghiệp khác đứng chân thu hút lượng lớn lao động phổ thông, điển hình như công ty may Vietsun Phú Yên. Thành lập được 6 năm, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường nước Đức, doanh nghiệp này luôn ổn định được đơn hàng, hoạt động liên tục và hiện có 265 công nhân đang làm việc, trong đó gần một nửa số công nhân là người dân trên địa bàn xã. Với mức thu nhập trung bình từ 7 – 8 triệu/tháng, đảm bảo các chế độ bảo hiểm, phần lớn lao động của xã đã yên tâm gắn bó lâu dài và ổn định được nguồn thu nhập.

Thống kê của xã An Ninh Đông, hơn 97,4% người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có việc làm, trong đó, một bộ phận lớn lao động phổ thông có việc làm ngay tại địa phương. Kết quả này, một phần là nhờ định hướng đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó, xã tập trung thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển cơ sở ngay trên địa bàn, kết nối doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động của xã.

Theo kết quả điều tra năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã An Ninh Đông đạt hơn 41,3 triệu đồng/người/năm. Địa phương này cũng vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này một phần nhờ thực hiện tốt giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng lao động và đang có ý định mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến tại đây. Đây chính là cơ hội để địa phương tiếp tục giải quyết bài toàn việc làm cho lao động với phương châm “ly nông bất ly hương”./.

Hồng Thủy – Đức Hưng