Làng nghề làm chổi đót Mỹ thành tất bật những ngày giáp Tết |
Chổi đót làng nghề Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa được biết đến là sản phẩm chổi chất lượng, được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo và lành nghề của chính người dân địa phương. Vì thế, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, chổi đót Mỹ Thành còn cung cấp một số lượng lớn sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh. Những ngày này, người làm chổi truyền thống đang tất bật cho các đơn hàng phục vụ nhu cầu người dân trước Tết Nguyên Đán. Một vật dụng gắn liền trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam.
Hơn 10 nhân công tại đây đang tất bật với công việc của mình. Mỗi người một công đoạn, nhịp nhàng trong từng thao tác. Tất cả đều làm thủ công, khéo léo và tỉ mỉ. Bà Nguyễn Thị Tấn là người gắn bó với nghề bó chổi nhiều năm nay ở Làng nghề bó chổi Mỹ Thành. Những ngày cuối năm, bà cũng như các nhân công khác phải tăng ca ngày đêm để kịp sản xuất. Công việc làm chổi đót đã là trở thành nguồn thu nhập chính, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Cơ sở sản xuất chổi của ông Đoàn Trần Hội đã hoạt động gần 40 năm nay. Ban đầu chỉ làm trong gia đình, sau đó mở rộng tuyển thêm nhân công để làm. Người thì đến làm trực tiếp hoặc nhận về nhà làm. Theo chủ cơ sở, thời điểm những ngày giáp Tết, nhân công làm không kịp đơn hàng. Sức tiêu thụ mạnh vào dịp giáp Tết bởi theo phong tục tập quán của người Việt, cuối năm nhà nào cũng sẽ mua chổi mới để trong nhà. Có người mua cùng lúc hơn 10 cây chổi đề dùng cả năm.
Công việc bó chổi không trả lương theo tháng mà theo sản phẩm, nên nhiều người tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm. Làm chổi phải qua nhiều công đoạn như: tách đót, bó nhỏ, bó cổ thân, quấn thép, bện, chặt đót…Làm chổi không khó nhưng đòi hỏi người làm phải có tính tỉ mỉ, khéo léo. Công đoạn khó nhất là quấn thép cán chổi bằng đót, phải thật chặc tay để ra sản phẩm tròn, đẹp, dùng bền. Mỗi cây chổi dao động 15 đến 35 ngàn đồng. Để người dân làng nghề có điều kiện đầu tư sản xuất, Hội nông dân xã đã hỗ trợ, hướng dẫn bà con vay vốn, phát triển nghề làm chổi truyền thống của địa phương. Đây cũng là cách để gìn giữ và phát triển nghề bó chổi.
Nghề bó chổi truyền thống làng nghề Mỹ Thành đã có từ rất lâu đời, và vẫn luôn được gìn giữ từ chính những người dân địa phương với sức sống mãnh liệt.
Mặc dù phải tất bật cho những đơn hàng cuối năm, nhưng ai nấy cũng cảm thấy vui vì sản phẩm truyền thống của địa phương đã là một phần không thể thiếu, gắn liền trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Như Thùy, Bảo Lâm