Tuân thủ quy hoạch nuôi, giữ ổn định môi trường vùng nuôi thủy sản |
Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển từ lâu là nghề đem lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn gia đình ngư dân vùng ven biển của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực hàng năm phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của biến động môi trường phát sinh dịch bệnh, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi trồng thủy sản... Người nuôi thủy sản không thể bỏ nghề, nhưng để khai thác lợi thế, phát triển bền vững hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển thì yêu cầu đặt ra là cần tuân thủ quy hoạch nuôi, chính điều này giúp cho môi trường ổn định, các biện pháp ứng phó với thiên tai sẽ hiệu quả hơn.
Chỗ nào có mặt nước phù hợp nuôi tôm hùm thì ngay lập tức nơi đó đan dày lồng bè. Người này nuôi được, người khác cũng nuôi được. Không cần xin phép, chỉ cần có vốn đầu tư làm lồng bè, mua tôm giống là nuôi được tôm hùm... Đây chính là ngọn nguồn khiến cho các vùng nuôi tôm hùm bị phá vỡ quy hoạch. Và những người nuôi tôm hùm lại phải hứng chịu những hệ lụy, đó là vùng nuôi quá tải, môi trường ô nhiễm và những lồng bè tôm hùm trị giá tiền tỷ liên tục gặp rủi ro trong mùa mưa bão những năm gần đây. Gắn với nghề nuôi tôm hùm hơn chục năm nay, nhưng ông Nguyễn Văn Hương ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu chưa bao giờ hết lo lắng mỗi khi mưa bão đến.
3 - 4 năm gần đây, không ít ngư dân nuôi tôm hùm, cá bớp trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu phải chịu thiệt hại nặng khi các đối tượng nuôi bị chết. Mới đây nhất, tại các vùng nuôi ở phường Xuân Yên xuất hiện tình trạng tôm hùm và cá nuôi các loại chết hàng loạt. Theo Trạm Chăn nuôi - Thú y thị xã Sông Cầu, nguyên nhân là do mưa lớn nhiều ngày, hạn chế khả năng trao đổi nước ở tầng mặt và đáy; khu vực nuôi lồng bè dày đặc làm nguồn nước ô nhiễm, thiếu oxy dẫn đến tôm chết.
Theo Sở NN-PTNT, đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có khoảng 110.369 lồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), trong đó nuôi tôm hùm thịt 82.953 lồng, tôm hùm ương 24.270 lồng, cá biển 3.131 lồng, ốc hương 15 lồng. Để hạn chế phát sinh thiệt hại do biến động môi trường và ngọt hóa vùng nuôi trong mùa mưa bão, ngành thủy sản tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp lại lồng bè bàn giao cho các địa phương; đồng thời tổ chức giám sát dịch bệnh và giám sát môi trường vùng nuôi, cũng như đề nghị địa phương tuyên truyền, vận động người dân sắp xếp lại lồng bè nuôi đúng vùng quy hoạch đảm bảo điều kiện, tiêu chí nuôi lồng bè. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát không tuân thủ nuôi theo quy hoạch của bà con ngư dân còn diễn ra.
Để người dân nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch là việc không dễ thực hiện, nhưng giao mặt nước là việc không thể không làm ngay. Bởi nếu càng chậm trễ thì cũng đồng nghĩa sẽ kéo dài những rủi ro đeo bám vùng nuôi trồng thủy sản…. Cũng cần nói thêm, những người nuôi thủy sản của tỉnh đã quá thấm thía những lần thất bại nặng nề vì tôm, cá chết do môi trường vùng nuôi ô nhiễm và ngọt hóa. Do vậy lúc này, hầu như ai cũng đồng thuận với chủ trương giao mặt nước cho các hộ nuôi và thực hiện nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Vấn đề còn lại là những giải pháp cụ thể cần được triển khai có hiệu quả, để những hộ nuôi thủy sản của tỉnh có được mặt nước nuôi trồng và có trách nhiệm với mặt nước vùng nuôi mà mình đang sử dụng.
An Bang, Quốc Hoàn