Nâng cao nhận thức thực hiện các quy định nuôi trồng thủy sản bền vững

06:53, 02/11/2021 [GMT+7]

 

Nâng cao nhận thức thực hiện các quy định nuôi trồng thủy sản bền vững
Nâng cao nhận thức thực hiện các quy định nuôi trồng thủy sản bền vững

 

Nâng cao giá trị ngành nuôi trồng thủy sản, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU... đang là mục tiêu của ngành thủy sản cả nước cũng như tỉnh Phú Yên. Để đạt mục tiêu này, thời gian gần đây ngành thủy sản tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới trong nuôi trồng thủy sản đến từng hộ dân ven biển gắn với nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không chỉ tăng về sản lượng, chất lượng thủy sản nuôi trồng cũng được nâng lên đáng kể.

Giữa mùa mưa bão, nhưng nhiều ngư dân nuôi thủy sản của tỉnh sẵn sàng dành thời gian để tham dự hội nghị triển khai các qui định trong nuôi trồng do Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức... Tại đây, bà con nông dân được phổ biến các thông tin liên quan đến nuôi trồng thủy sản như: các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản... Nhờ đó thời gian gần đây, người nuôi trồng thủy sản tỉnh đã nâng cao ý thức, không sử dụng các chất cấm vào nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm Luật Thủy sản trong việc cấp phép nuôi trồng, nhất là đối với nuôi biển và nuôi đối tượng chủ lực. Phát triển nuôi trồng thủy sản đúng tọa độ, đúng vị trí, đúng quy mô quy hoạch. Kiên quyết giải tỏa, sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng số lượng quy hoạch, không để tự phát thả nuôi các đối tượng thủy sản. Quy định và quản lý chặt chẽ người nuôi sử dụng thức ăn tươi; đảm bảo chất lượng, thu gom phần dư thừa, xác, vỏ, rác đưa vào bờ xử lý đúng quy định; thay thế dần thức ăn tươi bằng thức ăn công nghiệp để giảm ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Xây dựng cơ chế, vận dụng các chính sách hiện có để hỗ trợ các hộ nuôi thuộc diện di dời, giải tỏa khi quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi.

Theo Sở NN-PTNT, kể từ khi triển khai các hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Luật thủy sản 2017 đã giúp ngành thủy sản tỉnh đẩy nhanh cơ cấu lại ngành theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm dần tỷ trọng khai thác ven bờ, gắn với chế biến và xuất khẩu; góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản trong năm vừa qua 2020 gấp 1,3 lần so với năm 2015 (bình quân tăng 5,2%/năm). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng được một số mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, VietGap; hình thành vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGap; tỉnh cũng đã khuyến khích ngư dân mở rộng nuôi các loài thủy sản khác như cá mú, cá bóp, hàu, rong câu…. theo hướng phát triển kinh tế hộ gia đình.

Với mục tiêu nâng cao giá trị ngành nuôi trồng thủy sản, bên cạnh tăng cường phổ biến các qui định của Luật Thủy sản trong nuôi trồng, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã bổ sung vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 1.000hecta vùng biển hở để phát triển nuôi biển công nghiệp. Có chính sách tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người người nuôi trồng thủy sản tiếp cận dễ dàng nguồn vốn; tăng cường quản lý nguồn giống và vật tư đầu vào... Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển sang nuôi trồng các đối tượng giúp hồi phục môi trường như: rong nho, rong sụn, rong câu; trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven đầm, vịnh, ở các ao nuôi bị ô nhiễm nhằm phát triển bền vững hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

An Bang, Quốc Hoàn