Hội thảo "Để mía không đắng" - tìm giải pháp đưa ngành mía đường phát triển

11:07, 11/11/2021 [GMT+7]

.

Sáng ngày 10/11, UBND tỉnh Phú Yên và Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức Hội thảo nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của cây mía, chủ đề “ĐỂ MÍA KHÔNG ĐẮNG”. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế và TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo được kết nối trực tuyến với các điểm cầu Bộ NN-PTNT; Bộ Công thương; các Cục: Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Trồng trọt; các viện, trường, hiệp hội, hội ngành nghề và doanh nghiệp mía đường; các tỉnh, thành sản xuất nhiều mía đường trong nước. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có lãnh đạo các sở, ngành, các nhà máy đường và nông dân trồng mía của tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho hay, Phú Yên là vùng nguyên liệu trồng mía lớn của cả nước với 29.000 hecta và 20.000 hộ trồng. Ngành trồng mía đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh, tuy nhiên, những năm gần đây giá mía đường thấp khiến hiệu quả của cây mía không được như trước. Trong đề dẫn khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã nêu nhiều vấn đề còn tồn tại như vùng nguyên liệu chưa được tập trung đầu tư bài bản, vấn đề tưới tiêu, giống, khiến ngành mía "thật sự không còn ngọt" như trước,... nhằm ghi nhận sự tham vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia, từ thực tiễn người trồng mía để xây dựng chính sách địa phương giúp ngành mía phát triển tốt.

Hội thảo diễn ra 2 phiên: "Thực trạng của ngành mía đường hiện nay" và "Giải pháp phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh ngành mía đường". Tham gia phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Út, nông dân trồng mía tiêu biểu của tỉnh ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, cho biết, ông trồng mía đã nhiều năm, giai đoạn năm 2008-2012 rất thuận lợi, nông dân mua được xe hơi nhờ cây mía. Đến giai đoạn 2015-2019, ông điêu đứng bởi thiên tai, hạn hán khiến năng suất kém.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu và các chuyên gia mía đường đã đưa ra nhiều giải pháp giúp ngành mía đường có sự phát triển ổn định, nông dân trồng mía có cuộc sống tốt hơn trong tương lai, ít nhất là tương lai gần. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ghi nhận các kiến nghị và cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân. Mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời.
Qua ghi nhận 12 ý kiến thiết thực, cần thiết, kịp thời tại hội thảo, Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đồng chủ trì hội thảo đánh giá, từ các ý kiến ở các đầu cầu có thể phác thảo thực trạng ngành mía rất khó khăn, thể hiện ở diện tích giảm, năng suất giảm, chi phí tăng, thị trường thu hẹp... Chưa kể, một số nước có chính sách hỗ trợ bán phá giá, lẩn tránh thuế qua nước thứ 3 để đưa hàng vào Việt Nam. Ngoài ra, giá đường thế giới giảm sâu, biến đổi khí hậu rất rõ, ảnh hưởng đến nông nghiệp... Hội thảo này, ngoài ý nghĩa kết nối, đưa mọi người đến gần nhau hơn thì còn có mục đích tìm giải pháp đưa ngành mía đường và ngành nông nghiệp phát triển, góp phần vào khôi phục, phát triển kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

Giải đáp kiến nghị từ hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tiếp thu ý kiến và cho biết trong nhiệm kỳ này, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ đồng cho thủy lợi phục vụ chuyên canh cây mía và cây trồng khác, như: xây dựng hồ mới, sửa hồ đập, nâng cao khả năng tưới tiêu hồ nhánh. Lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với ngành nông nghiệp, công thương về máy nông cụ phù hợp trên địa bàn không bằng phẳng, có giá thành thấp để nông dân đầu tư và nâng cạnh tranh. Về giống, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã đến lúc các cơ quan chức năng phối hợp các doanh nghiệp nhân nhanh bộ giống không chỉ hom, lấy mắt mà cấy mô để nhân đại trà; năng suất cao phù hợp với chu kỳ sản xuất nhiều năm.

An Bang, Quốc Hoàn