Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển rừng bền vững, tiến đến mục tiêu quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm; từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, để người dân thực sự sống được bằng nghề rừng, giảm sức ép đến rừng tự nhiên… Ngành lâm nghiệp tỉnh xác định, doanh nghiệp là mắc xích quan trọng trong chuỗi hình thành từ phát triển rừng đến bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân từ rừng.
Doanh nhiệp - mắc xích quan trọng trong chuỗi hình thành từ phát triển rừng đến bảo vệ rừng |
Thành công bước đầu của ngành lâm nghiệp tỉnh trong thời gian gần đây là được nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và Tổng cục Lâm nghiệp hỗ trợ kỹ thuật quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ có trách nhiệm. Trên cơ sở đó, tỉnh đã thu hút, chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án trồng rừng kinh tế với tổng diện tích gần 42 ngàn hec-ta. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các dự án trồng rừng kinh tế theo quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng kinh tế được phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng được triển khai đồng bộ đến các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ rừng.
Cùng với phát triển rừng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có nhiều cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 7 đơn vị doanh nghiệp đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ để chế biến, tinh chế gỗ thành phẩm. Sản phẩm từ một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Bình Nam, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đã thực hiện chứng chỉ rừng bền vững, gia nhập mạng lưới rừng toàn cầu. Giá trị xuất khẩu gỗ từ các doanh nghiệp này được nâng cao từ 20-30% so với thị trường. Nhờ đó, người trồng rừng trong vùng dự án của các doanh nghiệp này cũng được hưởng lợi nhiều hơn.
Thời gian qua, chính sách giao rừng và đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp tham gia trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương trong vùng dự án. Nhiều bà con vùng dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ rừng sản xuất. Các doanh nghiệp còn trực tiếp chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Năm 2017, ngành lâm nghiệp tỉnh thu được hơn 33 tỷ đồng, tạo điều kiện thực hiện các dự án rừng tái sinh tiếp theo trong thời gian tới.
Tỉnh Phú Yên cũng như cả nước đang thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng của Chính Phủ. Do vậy, phát triển kinh tế rừng, khai thác chế biến gỗ rừng trồng là hướng đi phù hợp của tỉnh. Đặc biệt, những dự án trồng rừng của các doanh nghiệp đã góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập và phát triển bền vững. Kết quả này phù hợp với quan điểm chung của Chiến lược phát triển rừng cả nước giai đoạn 2011-2020: “Bảo vệ rừng như bảo vệ một hệ sinh thái luôn phát triển, vừa bảo đảm khả năng tái tạo và sử dụng rừng một cách tối ưu”.
Như Thùy-An Bang