Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng tăng ở xã Phú Mỡ

10:08, 31/10/2018 [GMT+7]

 

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng tăng ở xã Phú Mỡ
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng tăng ở xã Phú Mỡ


Thực trạng về suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và an ninh lương thực cấp hộ gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Theo thống kê của ngành y tế, cứ 100 trẻ thì có đến 25 trẻ bị suy dinh dưỡng. Đây là thực tế xảy ra nhiều năm qua tại xã Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân. Vậy làm thế nào để thay đổi tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nơi đây đó là vấn đề đang được các cấp ngành quan tâm.

Xã Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân đa số là người đồng bào Chăm, trong đó có hơn 70% là hộ nghèo. Phần lớn bà con sinh sống bằng nghề nương rẫy, tình trạng nghèo đói dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em ngày càng tăng. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn của trẻ em dưới 5 tuổi thiếu về số lượng và vi chất thiết yếu. Cơm, lá sắn và rau rừng là các thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của hầu hết các gia đình ở đây và trẻ em vẫn phải ăn chung một bữa ăn với các thành viên trong gia đình.
Ngoài nguồn thực phẩm từ nương rẫy, người dân có thể mua cá, thịt từ các xe bán hàng lưu động. Tuy nhiên, do thu nhập bấp bênh nên cũng chỉ khi nào có tiền mới mua hoặc mua nợ trước, trả sau. Đa phần các quán tạp hóa ở đây chủ yếu cung cấp các sản phẩm khô như: mì tôm, cháo ăn liền, bánh kẹo cho trẻ em...Việc mua thực phẩm có chất lượng và đủ thành phần dinh dưỡng để trữ trong nhà là điều xa sỉ với nhiều gia đình ở đây.

Chị La O Thị Ngỡ, thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ, chồng bỏ đi, chị một mình phải nuôi con nhỏ. Do điều kiện khó khăn nên chị thường xuyên dẫn con lên rẫy làm thuê kiếm tiền, đến bữa ăn trưa cũng chỉ có cơm muối ớt với ít rau rừng, chính vì thế con chị dù đã 5 tuổi nhưng chỉ nặng có 16kg. Theo ông La O Hóa, Trưởng Trạm Y tế xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân:Nguyên nhân tỷ lệ trẻ suy dưỡng cao là vì điều kiện kinh tế ở đây khó khăn, nhận thức người dân còn thấp kém, ở đây đa phần đồng bào sống nhờ vào tự cung tự cấp, nhờ phần thức ăn trong rừng và một vài hộ chỉ được mấy sào ruộng chứ ngoài ra họ không có thu nhập ổn định...

Một thực tế cũng đang diễn ra tại xã miền núi này, số trẻ đi học mẫu giáo đạt khoảng hơn 40%, phần lớn trường không có bán trú hoặc ở quá xa. Công tác tiêm chủng, chăm sóc thai sản, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng chưa được quan tâm. Tình trạng mất an ninh lương thực, vệ sinh môi trường kém do thói quen, tập quán nuôi gia súc thả rông, nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh... cũng góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe cho người dân, nhất là trẻ em. Ngoài ra, nhiều trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, các bệnh phổ biến về hô hấp, tiêu chảy xảy ra khá thường xuyên tác động trực tiếp đến thể chất của trẻ. Ông La O Hóa, Trưởng Trạm Y tế xã Phú Mỡ nói: Nhận thức của bà mẹ thấp kém về vấn đề tiêm chủng, hằng năm muốn đạt vấn đề về tiêm chủng rất khó, các thôn ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa không đi lại được.

Thời gian qua, rất nhiều gia đình biết con em mình bị suy dinh dưỡng nhưng họ lại bế tắc trong việc tìm kế sinh nhai để tăng thu nhập, cải thiện mức sống. Trước thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em, Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam phối hợp UBND huyện Đồng Xuân đang triển khai Dự án “Cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đồng bào DTTS dựa trên tiếp cận về nông nghiệp”. Chương trình này đang mở ra nút thắt  trong việc cải thiện sức khoẻ và thể chất cho trẻ em nơi đây./.

Khắc Sĩ