UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trần Hữu Thế chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Văn Cư, PCT HĐND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan.
Sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên |
Theo Sở NN và PTNT, qua 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định với giá trị gia tăng bình quân 4,5%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,2%/năm, bước đầu đạt được mục tiêu của Đề án giai đoạn 2016 - 2020 và đóng góp 25,3% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất của ngành tăng từ 48,1% năm 2014 lên 48,5% năm 2017, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện… Tuy nhiên, tái cơ cấu nông nghiệp chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất, chưa mang lại giá trị gia tăng cao, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm nông sản còn thấp. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trần Hữu Thế đặt mục tiêu thời gian tới tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020 tăng từ 3,5-4,0%/năm. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện, trên 57 xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã và các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so năm 2017; tỉ lệ che phủ rừng đạt 45% và 100% dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch và nước hợp vệ.
Như Thùy-An Bang