Phú Yên: Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, sắn

06:01, 02/04/2018 [GMT+7]

Chiều 30/3, Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh chủ trì hội nghị.

Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh


Theo báo cáo của Ban điều hành mía đường, sắn tỉnh, tính đến ngày 14/3/2018, các nhà máy đường đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích là 23.800ha; tổng diện tích mía đã thu hoạch vụ này đến giữa tháng 3 là hơn 6.950ha, năng suất mía bình quân gần 70tấn/ha với tổng sản lượng mía ép là trên 478.000 tấn; giá mua mía nguyên liệu được các nhà máy thu mua là 800.000đồng/tấn mía sạch 10 chữ đường tại ruộng; sản lượng đường sản xuất 36.619 tấn, nhưng hiện các nhà máy chưa tiêu thụ được, sản lượng đường tồn kho lớn.

Đối với sắn, các nhà máy đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 2.009ha, đã thu hoạch hơn 13.594ha, năng suất bình quân 17,8 tấn/ha; tổng sản lượng sắn chế biến 241.560 tấn. Giá mua sắn nguyên liệu 30% độ bột là 2.691,1 đồng/kg (tăng hơn 1.000 đồng so vụ trước); sản lượng tinh bột sắn sản xuất 69.536 tấn, sản lượng tinh bột sắn tiêu thụ 45.540 tấn.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đề xuất giải pháp để ổn định vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; đẩy mạnh bao tiêu để giảm áp lực cho nông dân. Đại diện các doanh nghiệp cũng cam kết thu mua nguyên liệu sắn theo đúng số lượng đã hợp đồng với nông dân. Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Hữu Thế khẳng định: Tỉnh đang có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đường và nông dân trồng mía vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đây là năm hết sức khó khăn của ngành mía đường cả nước. Vấn đề này đã cảnh báo trong lộ trình Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN.Trước những khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ lùi thời gian thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN để doanh nghiệp mía đường có thời gian chuẩn bị tốt hơn; sớm xây dựng chính sách phát triển ngành mía đường phù hợp với xu thế hội nhập và quản lý, kiểm soát nghiêm việc lạm dụng chất tạo ngọt thay thế sản phẩm đường trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đang phổ biến hiện nay./.

Tin, ảnh Ngọc Hiền, Thế Hoan