Cảnh báo bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh

18:56, 02/09/2017 [GMT+7]

 PTP - Trong khi bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm thì ghi nhận thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng ở trẻ em lại có chiều hướng gia tăng nhanh. Đặc biệt, đang là mùa tựu trường, nếu không sớm có biện pháp kiểm soát, bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Bác sĩ khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng
Bác sĩ khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng

 

    Thông tin từ Khoa Nội Nhi tổng hợp Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, trong tháng 7/2017, Khoa tiếp nhận 16 ca bệnh tay chân miệng, đến tháng 8, số ca bệnh đã tăng gần gấp 3 lần với 44 bệnh nhân điều trị nội trú. Đáng nói, so với cùng kỳ năm trước, số ca bệnh năm nay tăng lên gấp 11 lần. Theo bác sĩ Phan Thị Bích Vân, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, nguyên nhân khiến bệnh gia tăng đợt này một phần do sự thay đổi của thời tiết, cộng với nhiều gia đình chưa chú ý đến vấn đề vệ sinh cho con trẻ. Theo người nhà các bệnh nhân, phần lớn các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, kéo dài, kèm theo đó là các dấu hiệu nổi mụn nước li ti trong lòng bàn tay và chân. Chị Phạm Thị Nhiệu, xã Hòa An, huyện Phú Hòa chia sẻ, lúc đầu không biết là con bệnh tay chân miệng, cứ nghĩ con bị sốt do mọc răng, nhưng khi thấy cháu sốt liên tục không dứt, gia đình lo lắng đưa vào bệnh viện mới biết cháu bị tay chân miệng. 

Bệnh nhân tay chân miệng
Bệnh nhân tay chân miệng

     Theo BS. Phan Thị Bích Vân, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, phụ huynh có thể căn cứ những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh tay chân miệng như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da ở dạng phỏng nước, tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông. Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp bị biến chứng, có thể dẫn đến viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong. Bác sĩ Phan Thị Bích Vân khuyến cáo, phụ huynh và giáo viên các trường học cần lưu ý các dấu hiệu nói trên để sớm nhận biết bệnh, đặc biệt, để phòng tránh bệnh, gia đình và nhà trường cần chú ý đối với vấn đề vệ sinh cho trẻ.

    Theo đại diện ngành Y tế, điều đáng lo ngại hiện nay, đó là ngoài số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, nhiều bệnh nhi được gia đình điều trị tại nhà, rất khó kiểm soát việc hạn chế lây lan bệnh. Ngành y tế đặc biệt khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học, phụ huynh phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học./.

Hồng Thủy – Đắc Lâm