Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã lan nhanh ra 66 địa bàn thuộc 8 huyện, thị xã của tỉnh với gần 3000 con. Đáng lo ngại hơn là hiện Phú Yên chỉ duy trì được 1 chốt và 1 trạm kiểm soát dịch tại cửa ngõ phía Bắc và phía Nam quốc lộ 1. Trong khi đó, nhiều tuyến đường lên các tỉnh Tây Nguyên không có chốt, cán bộ thú y cơ sở thiếu, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc và gặp khó khăn trong di chuyển để tiêm phòng bởi dịch Covid-19. Do đó, công tác ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh viên da nổi cục trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều khó khăn ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục gia súc bởi dịch Covid-19 |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 13/6 đến ngày 7/7/2021, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò xảy ra tại 13 xã thuộc huyện Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu, với tổng số 278 con bị bệnh của 203 hộ dân tại 54 thôn buôn. Đây cũng là hai địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Định trên quốc lộ 1 và quốc lộ 19C. Nguyên nhân được lý giải là do nắng gắt kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, là thời điểm sinh trưởng của các loài ve, mồng, muỗi làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh.
Từ hai địa phương có dịch, chỉ sau một tháng, đến nay bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò đã lan nhanh ra 256 thôn buôn của 66 xã thuộc 8/9 huyện thị xã, thành phố của tỉnh. Tổng số bò mắc bệnh đã lên đến gần 3000 con của hơn 1.600 hộ dân, trong đó 77 con đã chết, thiệt gần 2 tỉ đồng. Trước diễn biến ngày càng phức tạp dịch bệnh trên đàn bò, 5 huyện, thị xã đã công bố dịch tại 42 trên tổng số 110 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin trung bình toàn tỉnh mới chỉ đạt chưa đến 50%... Cái khó hiện nay là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Phú Yên chưa thể bố trí cán bộ chuyên môn trực chốt kiểm soát bệnh viêm da nổi cục trên tất cả các tuyến quốc lộ ra vào tỉnh để kiểm soát bệnh lây lan.
Bò là tài sản lớn của người dân nông thôn, nhất là miền núi. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 1 đến 3 con hoặc nhiều hơn. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời điểm hiện nay, việc dồn sức phòng, chống dịch Covid-19 là vô cùng cấp bách, nhưng chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp phù hợp dịch bệnh trên đàn gia súc hiện nay.
An Bang, Quốc Hoàn