Tín dụng đen len lỏi giữa đại dịch

09:19, 10/09/2021 [GMT+7]

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tại Phú Yên, lợi dụng tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tín dụng đen đã núp bóng các hình thức cho vay nhanh, vay không cần tài sản thế chấp len lỏi, xâm nhập vào đời sống xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp khó khăn. Cơ quan chức năng cảnh báo các cá nhân, doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác để không sa vào bẫy “tín dụng đen”.

.
 

Kể từ tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh Covid -19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, anh Nguyễn Phi Hoàng, Giám đốc Công ty Vitosa đã phải giải thể các hệ thống chi nhánh trực thuộc công ty và tìm cách tiếp cận các gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên vì không còn tài sản thế chấp đảm bảo nên doanh nghiệp anh khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng như các công ty tài chính uy tín. Và trong lúc túng quẫn anh đã sa vào “Tín dụng đen”, mức vay 150 triệu đồng với lãi suất gần 4%/tháng.

Vài năm trở lại đây “tín dụng đen” đã len lỏi vào đời sống xã hội và để lại những hậu quả hết sức nặng nề với nhiều cá nhân, gia đình. Nhiều đường dây tín dụng đen cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Và hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phát sinh nợ xấu, đứng trước bờ lực phá sản đã tạo ra kẽ hở để tín dụng đen len lỏi, xâm nhập, như trường hợp của doanh nghiệp trên là một ví dụ.

Để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần đẩy lùi tín dụng đen trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH chi nhánh Phú Yên đã thông báo xử lý nợ rủi ro hơn 2,6 tỉ đồng cho 67 hộ. Đơn vị cũng đang trình hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro hơn 1 tỉ đồng cho 34 hộ. Đặc biệt thực hiện Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đơn vị cũng khẩn trương phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tỉnh tiến hành thẩm định các món vay rủi ro, trình UBND tỉnh xóa nợ 7 món, với số tiền hơn 35 triệu đồng; khoanh nợ 1 món, với số tiền hơn 40 triệu đồng.

Thực hiện các giải pháp tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ dân vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, tính đến ngày 31/7 các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho 1.952 khách hàng với tổng giá trị nợ gần 1.400 tỷ đồng. Hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đang chú trọng thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, không để quá trình lưu thông tiền tệ bị đứt gãy, tín dụng đen xâm nhập ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Thụy Yên – Đắc Lâm