Nơi lưu giữ sắc phong của các triều đại vua |
Di tích lịch sử văn hóa Đình Phường 4, Tp.Tuy Hòa là nơi còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, gắn liền với các giai đoạn lịch sử, cách mạng. Đặc biệt, tại đây hiện còn đang thờ phụng 9 đạo sắc phong cổ từ các triều đại vua nhà Nguyễn. Trải qua hàng trăm năm, các đạo sắc phong vẫn được người dân địa phương bảo quản, gìn giữ qua nhiều thế hệ như là báu vật cha ông truyền lại
Đình Phường 4 là tên gọi chung của Đình Bình Mỹ và Lẫm Bình Mỹ, gắn liền với vị Thành Hoàng làng thuộc thôn Bình Mỹ và Mỹ Lợi xưa (nay là khu phố 4, phường 4, TP.Tuy Hòa). Ngôi đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có 9 đạo sắc phong dưới triều các vua Nguyễn. Hai sắc phong năm Tự Đức (1851). Hai sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880). Hai sắc phong năm Đồng Khánh thứ hai (1886). Hai sắc phong năm Duy Tân thứ ba năm (1909). Tờ sắc phong năm Khải Định thứ chín (1925). Các sắc phong đều viết chữ Hán, thể chân thư trên giấy long đằng. Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc biệt. Loại giấy này rất quý, để làm được đòi hỏi rất nhiều công phu. Các đạo sắc ở đây đã tồn tại gần 200 trăm năm vẫn còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn.
Trải qua hàng trăm năm với những thay đổi của lịch sử, tác động của thiên tai, các đạo sắc phong ở đình vẫn còn lưu giữ rất cẩn thận, như một báu vật vô giá của truyền nhân để lại cho người dân nơi đây. Có thể nói các sắc phong là nhân chứng cho giá trị lịch sử, hiện vật có giá trị thiêng liêng trong đời sống tâm linh. Hằng năm, nơi đây tổ chức lễ thu tế ghi nhớ công đức các thế hệ tiền nhân. Chính quyền và ban quản lý đình rất quan tâm trong việc bảo tồn giá trị quý báu của dân tộc theo thời gian.
Đình phường 4 tuy không còn nguyên thủy như thuở mới xây dựng nhưng giá trị lịch sử văn hóa vô cùng lớn. Ngoài thờ tụng vị Thành Hoàng làng, nơi lưu giữ các đạo sắc phong vua triều Nguyễn thì nơi đây còn gắn liền với sự kiện lịch sử thời kháng chiến chống pháp. Những đợt tuyển quân kháng chiến tại đây, lần đầu tiên nhân dân cầm lá phiếu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên, lớp xóa mù chữ đầu tiên được khai giảng sau lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh…Nhiều hiện vật còn được lưu giữ như lân đá, mõ gõ, hương án…
Việc gìn giữ các hiện vật quý có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn giá trị di sản quý báu của cha ông, mà còn là nguồn tư liệu quan trọng về lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất trong dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Do vậy, trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là để hiện vật đi cùng với sự kiện lịch sử sống mãi./.
Như Thùy, Diệp Thạnh