PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ PHÁT TRIỂN DU LỊCH PHÚ YÊN

09:16, 24/11/2021 [GMT+7]

.
 

Phú Yên có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá hơn 410 năm với nhiều di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ... Đến tháng 11/2021, toàn tỉnh có 98 di tích được xếp hạng, trong đó có 76 di tích cấp tỉnh, 20 di tích quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch ở địa phương. Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Đây là tiền đề vững chắc để Phú Yên tiếp tục đề ra các giải pháp chủ yếu, đẩy mạnh xã hội hoá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch.

Sáng ngày 01/4/2021, tỉnh Phú Yên vinh dự được đón nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa - một danh thắng thiên nhiên độc đáo và được xem là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đây là kiệt tác của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Phú Yên, được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá Bazan dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, phân bố trên một diện tích tương đối rộng bên bờ biển. Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng ven biển.

Trước đó, vào cuối năm 2018, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn cũng được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là công trình kiến trúc thuộc nền văn hoá Champa, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Tháp Nhạn là ngôi tháp Chăm tương đối nguyên vẹn duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh Phú Yên, là chứng tích của vùng đồng bằng Tuy Hoà trong tiến trình lịch sử. Nơi đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá truyền thống đặc sắc mang đặc trưng của vùng đất, cùng các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tín ngưỡng dân gian của nhân dân.

Hai di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt được công nhận một lần nữa khẳng định giá trị di sản văn hoá độc đáo, riêng có của vùng đất Phú Yên.

Bên cạnh hệ thống các di tích, danh thắng độc đáo, những di sản văn hoá phi vật thể đã làm nên sự phong phú đa dạng và bản sắc Phú Yên. Một kho tàng di sản văn hóa dân gian với những câu hò, điệu múa, lễ hội, phong tục, tập quán… được các thế hệ người dân Phú Yên sáng tạo từ ngàn xưa.

Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa, hòa quyện nhiều nền văn hóa của nhiều tộc người. Ở khu vực đồng bằng, nghệ thuật Bài chòi của 10 tỉnh Trung bộ, trong đó có Phú Yên được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Ở khu vực ven biển, Lễ hội Cầu ngư của ngư dân vùng biển cũng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân vùng biển.
Trong khi đó ở miền núi người dân tự hào khi Lễ hội Cồng ba chinh năm trống đôi của dân tộc Ba Na cũng được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia.

Những sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân cùng những hoạt động lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm gắn với danh thắng di tích đã góp phần làm tăng  giá trị di sản văn hoá, tạo sức sống trường tồn cho các di tích.

Phú Yên đang là điểm đến mới và thu hút du khách trong hành trình du lịch qua dải đất miền Trung. Ngành du lịch Phú Yên đã và đang trên đà phát triển, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Lượng khách du lịch đến với Phú Yên hàng năm đã tăng hơn 14%. Nhằm phát huy giá trị di sản văn hoá phục vụ phát triển du lịch, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đang triển khai Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của đề án là nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh, phấn đấu tốc độ phát triển ngành du lịch khoảng 14%/năm; tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh; Tăng cường thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, chú trọng phát triển hạ tầng thiết yếu tại các di tích, danh thắng; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Phú Yên thu hút trên 4 triệu lượt khách đến tỉnh.

Chính vì vậy, việc khai thác các tiềm năng lợi thế của di tích và các giá trị di sản văn hoá phi vât thể phục vụ phát triển du lịch sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên phát triển bền vững. 

 

Vẹn nguyên ý nghĩa ngày hội đại đoàn kết toàn dân