Giải pháp bền vững cho đầm Ô Loan |
Được công nhận là danh thắng Quốc gia từ năm 1996, xét về góc độ văn hoá, đầm Ô Loan là di sản của tỉnh. Về khía cạnh đời sống, từ xưa đến nay, đầm Ô Loan được người dân ví như "bầu sữa mẹ" nuôi sống các cộng đồng dân cư 5 xã ven đầm. Bởi vậy phát triển bền vững đầm Ô Loan khi và chỉ khi chúng ta hài hoà được các lợi ích. Việc quản lý đi vào quy củ, các giá trị về danh thắng được phát huy nhưng cũng đồng thời đảm bảo được sinh kế của người dân.
Năm 1996, đầm Ô Loan được Bộ Văn hoá thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận là danh thắng cấp Quốc gia. Đây là niềm tự hào của tỉnh và nhất là người dân sống 5 xã ven đầm. Thế nhưng, qua 23 năm kể từ khi được công nhận, rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý danh thắng quốc gia này phát sinh, trong đó một trong những nguyên nhân cơ bản là bất cập trong quy hoạch trước đây chưa phù hợp.
Theo các chuyên gia, trên khu vực đầm Ô Loan thời gian qua tồn tại đến 6 quy hoạch, gồm quy hoạch thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan; quy hoạch du lịch; quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất; quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản; mới đây là quy hoạch khu đô thị Ô Loan, lồng ghép vào đó là quy hoạch sử dụng đất đai. Tuy nhiên, việc chồng ghép các quy hoạch để phân tích những vùng tối ưu hoá, những vùng xung đột, chưa làm đến nơi đến chốn hoặc là thiếu phối hợp nhau dẫn đến những xung đột.
Bất cập nảy sinh từ quy hoạch thì trước hết phải điều chỉnh lại quy hoạch để đảm bảo hài hoà các lợi ích giữa các ngành, địa phương và phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phải tính đến điều quan trọng nhất đó là tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư ven đầm. Ông Lê Văn Thứng Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Yên nêu: Trước hết là điều chỉnh lại quy hoạch và sau điều chỉnh thì chúng ta có lộ trình để triển khai thực hiện quy hoạch...tối ưu hoá và bền vững hơn bằng các giải pháp công trình và phi công trình.
Trước hết, về mặt nhận thức phải được hiểu rộng hơn, danh thắng Quốc gia phải bao gồm thắng cảnh gắn với các cộng đồng dân cư và những di sản văn hoá, hoạt động sản xuất, nghề nghiệp đặc trưng gắn với đầm Ô Loan. Từ nhận thức đúng mới đề ra các giải pháp sát hợp với thực tế. Xác định lại mốc giới, tiến hành quy hoạch chi tiết và thực hiện, quản lý tốt quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm lúc này của cả ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Tới đây, những trường hợp lấn chiếm xây dựng nhà ở, công trình trái phép, sử dụng đất rừng để làm lều trại, hồ tôm sẽ phải giải toả theo quy định. Việc rà soát lại quy hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư ven đầm, ngành nghề trong đầm, các vùng chức năng cũng sẽ được tiến hành song song. Tất cả hướng đến mục tiêu chung là vừa phát huy giá trị danh thắng quốc gia Ô Loan, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Lê Biết - Quốc Hoàn