Đồng Xuân: Nông dân được mùa sắn nhờ trồng giống mới |
Trong khi nhiều vùng trồng sắn của tỉnh giảm năng suất do dịch bệnh và thời tiết gây thối củ, thì tại huyện Đồng Xuân nhiều nông dân đã có vụ sắn được mùa. Kết quả này là nhờ việc chuyển đổi giống sắn mới cho năng suất cao, hạn chế dịch bệnh. Lúc này, nhiều nông dân trồng sắn tại huyện Đồng Xuân đang tập trung thu hoạch trong niềm vui được mùa.
Vụ sắn này, gia đình Oi Na trồng được 3 sào sắn. Giống sắn KM419, loại giống mới được trồng lần đầu tiên tại địa phương. Sau 2 ngày thời tiết nắng ấm, gia đình Oi Na đã tập trung thu hoạch gần xong. 3 tấn 1 sào - đó là sản lượng chưa từng có ở vùng trồng sắn này từ trước đến nay.
Trên nhiều cánh đồng sắn ở huyện Đồng Xuân, lúc này bà con nông dân đang tấp nập thu hoạch... Trước kia, đa số các hộ gia đình đều trồng giống sắn KM94 hoặc một số giống sắn địa phương nên năng suất thấp, dịch bệnh nhiều nên thu nhập không cao. Từ năm ngoái, nhờ trồng thử nghiệm giống sắn mới này, bà con đã hạn chế được dịch bệnh, năng suất cao hơn. Sắn được mùa, giá thành cũng đang ở mức cao, từ 1.800-2.200 đồng/kg, bà con miền núi huyện Đồng Xuân ai cũng phấn khởi.
Sắn là cây trồng chủ lực của huyện miền núi Đồng Xuân, tuy nhiên, dịch bệnh thường xuyên diễn ra, nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Hai năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện đã mạnh dạn chuyển đổi giống sắn cũ. Đến nay, hơn 80% diện tích trồng sắn của huyện đã trồng giống sắn KM419, nhờ đó đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiện, Phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt đưa giống sắn mới này vào trồng để nâng cao hiệu quả; thực hiện các biện pháp như trồng xen canh, luân canh với các cây họ đậu, sử dụng bón phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm tăng độ phì cho đất, tạo năng suất cao cho những vụ mùa tiếp theo. /.
Như Thùy, Thanh Huy