Tuân thủ quy hoạch để xử lý tiêu chết hàng loạt |
Tiêu chết hàng loạt, người trồng tiêu lao đao là tình cảnh chung lúc này tại nhiều vùng trồng tiêu tỉnh Phú Yên. Chương trình thời sự cũng đã đề cập nhiều lần câu chuyện này. Nhưng, đến lúc này, một câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra: bên cạnh những biện pháp kỹ thuật xử lý dịch bệnh trên cây tiêu, thì đâu là giải pháp để có những vùng trồng tiêu bền vững?
Những vườn tiêu 4-5 năm tuổi, đầu tư vào đây không ít tiền của, không ít công sức... nhưng giờ những gì còn lại chỉ là những cây trụ. Nhiều người buộc phải phá bỏ vườn tiêu, trồng lại hoa màu, một cách làm đi ngược lại với công việc mà họ đã làm trong những năm trước. Khi đó, nhiều nông dân phá bỏ hoa màu, chuyển sang trồng tiêu. Giai đoạn 2011- 2016, có thời điểm 1kg hạt tiêu có giá hơn 200 ngàn đồng. Đó là lý do khiến cho cơn sốt trồng tiêu lan rộng. Ở tỉnh Phú Yên, diện tích tiêu hiện có đã ở mức 975ha. Trong khi diện tích đất khảo sát phù hợp với cây tiêu chỉ là 400ha.
Nóng vội trồng tiêu, không ít người bỏ qua khâu lựa chọn giống tiêu cũng như lựa chọn đất trồng tiêu. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, nếu không cẩn trọng thì người trồng tiêu sẽ đối mặt với nguy cơ tiêu chết do dịch bệnh… Và đúng như cảnh báo, lúc này, nhiều vùng trồng tiêu đã gánh chịu hệ lụy sau khi quy hoạch vùng trồng tiêu bị phá vỡ.
Diện tích hồ tiêu trên cả nước đã vượt hơn 100ngàn hec-ta, gấp đôi so với diện tích quy hoạch chỉ 50 ngàn hec-ta đến năm 2020. Ở tỉnh Phú Yên cũng diễn ra tình trạng phá vỡ quy hoạch vung trồng tiêu, chỉ vì lợi nhuận cây tiêu quá hấp dẫn nông dân, kể cả với những người chưa biết gì về kỹ thuật trồng tiêu.
Để xử lý tình trạng tiêu chết hàng loạt, nhiều biện pháp kỹ thuật được nông dân áp dụng. Nhưng, không ai dám chắc rủi ro ở vùng trồng tiêu sẽ không tái diễn. Vùng trồng tiêu bền vững cả về mặt canh tác lẫn thị trường là điều mà người trồng hướng đến. Và để có được tính bền vững, không thể không chấn chỉnh tình trạng phá vỡ quy hoạch vùng trồng tiêu như trong thời gian qua./.
Như Thùy, An Bang