Luật An ninh mạng đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân

09:53, 18/07/2018 [GMT+7]

 

Luật An ninh mạng đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân
Luật An ninh mạng đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân


Luật An ninh mạng chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Không chỉ là khung pháp lý cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0, Luật An ninh mạng còn là yêu cầu cấp bách để đảm bảo một môi trường an toàn trước những hiểm họa thường trực trên không gian mạng cả về kỹ thuật và nội dung thông tin. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng vẫn đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân, không gây cản trở người dùng internet, mạng xã hội.

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều. Khoản 3 Điều 4 của Luật quy định rõ: Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

Một số người dùng Internet, nhất là giới trẻ, bày tỏ sự băn khoăn trước thông tin cho rằng, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành, các dịch vụ phổ biến trên Internet như Facebook, Google sẽ bị chặn, không được sử dụng tại Việt Nam. Cũng có lo ngại, các thông tin cá nhân, quyền tự do ngôn luận trên các trang mạng xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng, ngược lại, các quy định trong Luật An ninh mạng còn bảo vệ người dùng trước những thông tin xấu, thông tin độc hại.

Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quy định các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Thực tế ở nước ta, nhiều người dùng trang mạng xã hội đang quá “dễ dãi”, nếu không muốn nói là “nhẹ dạ” đối với các thông tin được chia sẻ và phát tán trên mạng xã hội. Chỉ cần đọc được thông tin, nhiều người đã lập tức chia sẻ mà không hề kiểm chứng tính xác thực của thông tin. Điều này đã tạo cơ hội cho các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta trên không gian mạng thông qua các thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Các vụ tấn công mạng tại Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Từ ngày 1/1/2019, khi Luật An Ninh Mạng chính thức có hiệu lực, mọi hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tại Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.

Nguyễn Hiền – Đức Hưng